Thanh Hóa: Quy hoạch cụm công nghiệp Vạn Thắng – Yên Thọ
Kinh tế - Ngày đăng : 13:18, 16/01/2022
Khu đất lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp (CCN) Vạn Thắng - Yên Thọ, thuộc địa giới hành chính xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống và xã Yên Thọ, huyện Như Thanh. Diện tích sử dụng đất 49,87 ha với quy mô lao động khoảng 6.000 – 7.000 người.
Là CCN thuộc huyện Nông Cống và Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa với các chức năng, ngành nghề công nghiệp chủ yếu gồm: Sản xuất hàng chăn ga, thảm dệt, thời trang may mặc và giầy da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, thức ăn gia súc, gia cầm; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may… và các ngành nghề khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đối với công tác xử lý, bảo vệ môi trường: Rác thải sinh hoạt được thu gom và tập kết tại khu vực phía Tây Nam CCN trước khi chuyển về xử lý tập trung tại khu vực bãi rác của huyện Nông Cống - Như Thanh. Với rác thải từ quá trình sản xuất công nghiệp, phải thu gom xử lý theo quy trình riêng.
CCN Vạn Thắng – Yên Thọ có diện tích khoảng gần 50 ha |
Nước thải sản xuất được xử lý theo 2 bậc, bậc 1 trong khuôn viên nhà máy, xí nghiệp tùy theo tính chất, loại hình công nghiệp sẽ xử lý đảm bảo theo quy định. Bậc 2 sẽ tiếp tục được thu gom về trạm xử lý nước thải chung của CCN. Nước thải sinh hoạt được xử lý tại chỗ bằng bể tự hoại sau đó được dẫn về trạm xử lý nước thải chung của CCN. Công suất trạm xử lý nước thải chung của CCN: 915 m3/ng.đ (bằng 100% nước cấp). Nước sau khi xử lý đạt chuẩn sẽ thoát ra kênh Dân Quân.
Giao UBND các huyện Nông Cống, Như Thanh: Phối hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Hưng tổ chức công bố rộng rãi nội dung quy hoạch chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày đồ án quy hoạch được phê duyệt để nhân dân biết, kiểm tra giám sát và thực hiện. Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc đầu tư, xây dựng dự án của nhà đầu tư, đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân. dân tại khu vực xung quanh dự án.
Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Hưng có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để đóng dấu theo quy định. Bàn giao hồ sơ, tài liệu đồ án quy hoạch chi tiết cho cơ quan quản lý quy hoạch, chính quyền địa phương làm cơ sở để quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt.
Tổ chức cắm mốc ngoài thực địa (cắm mốc, định vị ranh giới quy hoạch, các khu vực bảo vệ, quản lý, khai thác của dự án…) theo quy định của pháp luật. Có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về đấu nối, cải dịch, hoàn trả hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, đường điện…) khi thực hiện dự án để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhân dân.