Quảng Nam: Du lịch xanh cho sự “trở lại” mạnh mẽ

Xã hội - Ngày đăng : 23:15, 12/01/2022

(TN&MT) - Sau đại dịch Covid-19, Quảng Nam xác định loại hình du lịch bền vững, an toàn với môi trường chính là “quả khế vàng”. Chính vì thế, tỉnh Quảng Nam đã may “túi ba gang” phát triển các sản phẩm du lịch xanh để thu hút du khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài, có ý thức, hành động văn minh, tạo “cú hích” cho sự phát triển của toàn tỉnh.

Nắm bắt cơ hội

Ngoài việc sở hữu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời và khác biệt, Quảng Nam còn có dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cùng dư địa du lịch phía Tây rất phù hợp để phát triển các sản phẩm xanh.

Nhằm thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025. Đây được xem là kim chỉ nam để du lịch Quảng Nam hướng đến mô hình phát triển bền vững hậu dịch Covid-19.

Quảng Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh

Ông Phan Xuân Thanh -Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nhận định du lịch xanh ở đây không chỉ hiểu là thiên nhiên xanh, trong lành ở điểm du lịch, mà còn phải xây dựng được sản phẩm xanh, lối sống xanh… cho cả cộng đồng điểm đến. Đây là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

“Có thể nói, phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo du lịch bền vững. Nếu Quảng Nam sớm phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, sẽ trở thành “người tiên phong” nắm bắt được xu thế, từ đó khai thác các điểm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch”, ông Phan Xuân Thanh cho hay.

Du khách trải nghiệm làm nông dân tại làng rau Trà Quế (Hội An)

Thời gian qua, không ít doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đã triển khai các mô hình, sản phẩm dựa trên những tiêu chí xanh, sinh thái, môi trường, hướng đến 3 trụ cột chính gồm lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, tuần hoàn tài nguyên, bảo tồn văn hóa.  

Nhiều sản phẩm du lịch xanh - kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp tại Quảng Nam như tour du lịch chèo thuyền kayak du ngoạn kết hợp vớt rác trên sông Hoài do Công ty Du lịch Hội An Kayak; mô hình tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi, An Nhiên farm; tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế của Sea’lavie Boutique Resort & Spa... đã tạo những hiệu ứng lan toả và được du khách yêu thích.

Thực tế cho thấy, từ khi Quảng Nam hình thành và khai thác các mô hình du lịch xanh đã tạo ra không gian trải nghiệm thú vị cho du khách, tạo nguồn thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương, giảm được một phần áp lực lên các di sản.

“Tái tạo” thay cho “khai thác”

Theo ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hội An, thị trường du lịch chuyển đổi theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường giai đoạn hậu Covid-19 là hướng đi đúng được đặt ra và cần sự quan tâm của các bên liên quan. Việc tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc gia tăng khối lượng chất thải. Ngược lại, một mô hình kinh tế và xã hội bền vững có thể thực hiện được nếu tất cả các bên liên quan cam kết tham gia và tạo điều kiện giảm thiểu chất thải.

Hội An là địa phương có nhiều doanh nghiệp tiên phong làm du lịch xanh

Theo ông Lê Trí Thanh -Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sự kiện Quảng Nam đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên của Việt Nam theo chương trình "hộ chiếu vắc-xin" đã khẳng định sự ghi nhận những nỗ lực của địa phương về một điểm đến xanh, thân thiện và an toàn.

Bước vào năm 2022, Quảng Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh và phục hồi du lịch. Để làm được điều này lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương phải xây dựng được sản phẩm đặc thù riêng phù hợp với thị hiếu phân cấp khách hàng trong nước và quốc tế sau đại dịch Covid-19, bám sát với Kế hoạch phát triển du lịch xanh.

Trước mắt, tỉnh Quảng Nam chọn TP. Hội An để xây dựng mô hình điểm về du lịch xanh theo bộ tiêu chí, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp... học tập, nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, các điểm du lịch cộng đồng, điểm tham quan, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng và công ty lữ hành tại Hội An sẽ áp dụng mô hình du lịch xanh.

Thị trường du lịch chuyển đổi theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường giai đoạn hậu Covid-19 là hướng đi đúng được đặt ra 

“Du lịch xanh là loại hình du lịch tái tạo lại tài nguyên, du khách và doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường, văn hoá bản địa và an toàn trong công tác phòng chống dịch. Quảng Nam gần như là tỉnh đầu tiên của cả nước công bố mục tiêu hướng đến du lịch xanh. Sắp tới chúng tôi sẽ phát triển du lịch biển đảo, sông nước, bên ngoài khu phố cổ, phát triển mở rộng về phía miền núi gắn với du lịch cộng đồng tạo nên những sản phẩm mới với nhiều sức hút hơn”- ông Thanh khẳng định.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, dịch Covid-19 chính là động lực thôi thúc ngành du lịch các địa phương sớm chuyển mình theo hướng bền vững hơn. Với chiến lược bài bản và dài hơi cùng sự đồng thuận của các doanh nghiệp, Quảng Nam đang kỳ vọng du lịch xanh sẽ tạo nên “làn gió mới” trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất xứ Quảng.

Lan Anh