Thủ phủ đào phai Đông Sơn “thay áo” đón Tết

Xã hội - Ngày đăng : 18:01, 12/01/2022

(TN&MT) - Hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ở thủ phủ đào phai Đông Sơn (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), những vườn đào đã xuống lá “thay áo”, khoe nụ chuẩn bị đón xuân.

Xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp (Ninh Bình) nổi tiếng với nghề truyền thống trồng đào phai từ những năm 80 của thế kỷ XX. Trong nhiều năm trở lại đây, người dân Đông Sơn đã nhạy bén với thị trường Tết, phát triển diện tích trồng đào và đưa cây đào phai trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Những cánh đồng, những quả đồi trồng đào phai trải rộng và vô cùng hút mắt. Nhờ cây đào phai, nhiều gia đình đã “ăn nên làm ra”, nhiều hộ có cuộc sống khấm khá.

Những gốc đào phai nổi bật hai bên đường phố trên địa bàn xã Đông Sơn (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình)

Tại thôn 3, xã Đông Sơn, chị Lê Thị Hà (40 tuổi), một chủ hộ trồng đào phai đã nhiều năm cho biết, người dân Đông Sơn thường truyền tai nhau rằng, từ xa xưa khi các thế hệ trước khai hoang, mở rộng khu vực sản xuất nông nghiệp đã mang cây đào lên đất này để trồng lấy quả ăn. Địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu tại đây rất phù hợp để cho cây đào phai phát triển.

Trong các vườn đào ở làng đào Đông Sơn đã xuống lá "thay áo", khoe nụ

Cây đào phai được trồng tại Đông Sơn phát triển nhanh, nhiều lộc, lá, mầu sắc của hoa không thắm như hoa tại các vùng trồng đào khác nhưng cánh hoa to, dầy và đều đã tạo nên một nét rất riêng cho cây đào phai Đông Sơn.

“Mới đầu, gia đình tôi chỉ trồng vài chục gốc đào phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân quanh khu vực TP Tam Điệp. Dần dần, thấy người dân có điều kiện chơi Tết hơn, nhu cầu cũng đa dạng hơn, tôi đã nhân rộng và phát triển diện tích trồng đào. Hiện gia đình tôi có khoảng 1ha đều trồng đào”, chị Hà chia sẻ.

Đào phai ở Đông Sơn có những nét đẹp rất riêng...

Còn tại thôn 4B, xã Đông Sơn, gia đình anh Nguyễn Văn Thành cũng đang đón những khách hàng truyền thống về tận vườn để chọn lựa đào. Mặc dù vườn đào nhà anh chỉ có 90 gốc đào, nhưng đều là những gốc đào lâu năm, tán rộng, bông dày, cánh cứng được nhiều khách hàng rất ưa chuộng.

Đặc biệt, có cây đào tuổi đời trên chục năm, rất nhiều người hỏi mua cây đào này với giá cao hơn giá thị trường nhưng gia đình anh chưa muốn bán, bởi kiểu dáng đẹp, nhiều nụ, nhiều lộc, để một vài năm nữa sẽ trở thành một trong những cây đào đặc sắc của xứ này.

“Một lứa đào ở Đông Sơn mất khoảng 3 năm mới được thu hoạch. Để trồng được một cây đào phai đẹp, trước hết phải kể đến việc chọn giống đào, cắt ghép mắt và ươm trồng cây đào từ nhỏ; kết hợp với quá trình chăm sóc, bón phân và tỉa tuốt lá vào những thời điểm thích hợp sẽ cho cây đào khỏe mạnh, hoa đẹp…”, anh Thành cho hay.

Một lứa đào phai Đông Sơn mất khoảng 3 năm mới được thu hoạch

Theo ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, toàn xã có 12 thôn thì có tới 10 thôn trồng đào phai và đều được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình. Hiện toàn xã có khoảng 150ha đào phai; các hộ sản xuất chuyên nghiệp thường có diện tích đào phai từ 3 đến 10 sào, thậm chí có nhiều hộ trồng hàng hecta đào phai.

Hiện trên địa bàn xã có tới trên 1.000 lao động trồng và kinh doanh cây đào phai. Từ nhiều năm nay, cây đào phai đã trở thành cây trồng chủ lực của Đông Sơn, nhờ cây đào phai nhiều hộ dân đã có cuộc sống khấm khá hơn, thậm chí nhiều nhà giàu lên nhờ cây đào phai.

Trồng đào phai đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc hết sức kỳ công

Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, đến nay, cây đào phai Đông Sơn không chỉ phục vụ nhu cầu chơi Tết của nhân dân trong tỉnh mà còn đưa đi nhiều tỉnh, thành phố khác như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội... Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, việc phân phối đi các tỉnh gặp nhiều khó khăn. Do vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến lượng đào tiêu thụ so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, giá thành đào phai sẽ ổn định, không tăng so với vụ Tết năm 2021. Tuỳ thuộc vào kiểu dáng, tuổi cây, đa phần đào phai Đông Sơn có giá từ vài trăm nghìn đến trên 1 triệu đồng/cành, nhiều cây đẹp đặc sắc được khách mua với giá từ 5-7 triệu đồng, thậm chí có những cây lâu năm, có kiểu dáng độc, lạ được bán với giá từ 20-30 triệu đồng/cây.

Xã Đông Sơn có 10 thôn trồng đào phai và đều được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình

Đặc biệt, Đông Sơn cũng rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Dịp Tết đến xuân về, xã tạo điều kiện cho các hộ dân trồng đào ven trục đường của xã mang ra ven đường bán, song yêu cầu phải có cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, dọn sạch trong đêm giao thừa. Xã cũng có văn bản gửi đến các khu dân cư, tuyên truyền trên loa truyền thanh về việc đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề.

"Rác thải ra là các gốc, cành cây không độc hại nên họ thường đưa về vườn xử lý làm chất đốt. Người dân làng nghề trồng đào ở Đông Sơn tự giác chấp hành nghiêm chỉnh và đã hình thành thói quen tự dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường mỗi dịp Tết đến Xuân về", Chủ tịch UBND xã Phạm Đình Cư cho hay.

Khải Minh