Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình

Khoáng sản - Ngày đăng : 21:11, 11/01/2022

(TN&MT) - Năm 2021, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT) đã triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam”. Liên đoàn đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Giàn khoan biển GKB.02 khoan biển đến độ sâu 20m nước với tỷ lệ lấy mẫu đạt trên 90%

Theo đó, Liên đoàn đã lập bản đồ địa chất công trình tỷ lệ 1:100.000 phần biển ven bờ khu vực từ Sóc Trăng đến Kiên Giang trên diện tích 11.000 km2; tổng hợp tài liệu, liên kết, lập các bản đồ cấu trúc địa chất, địa chất công trình tỷ lệ 1:100.000 phần biển ven bờ: từ bờ biển đến độ sâu 20m nước khu vực từ Sóc Trăng đến Kiên Giang.

Liên đoàn cũng lập bản đồ địa chất công trình tỷ lệ 1:25.000 (phần thực địa); giải đoán ảnh hàng không, vệ tinh tỷ lệ 1:25.000; lập bản đồ địa mạo, lập bản đồ thủy thạch động lực tỷ lệ 1:25.000 (phần thực địa) cho khu vực điều tra trọng điểm dải ven bờ biển bán đảo Cà Mau trên diện tích 450km2; hoàn thành lập bản đồ địa chất công trình, lập bản đồ địa mạo, lập bản đồ thủy thạch động lực tỷ lệ 1:25.000 khu vực điều tra trọng điểm dải ven bờ biển Nam Định.

Ngoài ra, Liên đoàn đã thực hiện công tác trắc địa dẫn đường phục vụ địa vật lý đo địa chấn nông phân giải cao từ bờ biển đến độ sâu 10m nước khu vực điều tra trọng điểm dải ven bờ biển bán đảo Cà Mau, khối lượng 1.500km2; thi công khoan máy trên biển (từ bờ biển đến độ sâu 20m nước) khu vực điều tra trọng điểm dải ven bờ biển Nam Định và dải ven bờ biển Thanh Hóa, khối lượng 1.351m/27 lỗ khoan; lấy mẫu, gia công phân tích mẫu độ hạt 325 mẫu.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển, dự án đã bổ sung, cập nhật và hoàn thiện bộ bản đồ cấu trúc địa chất, địa chất công trình, phân vùng địa chất công trình tỷ lệ 1:100.000 dải ven biển Việt Nam; làm rõ đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình; phân chia dải ven biển nghiên cứu thành 175 vùng địa chất công trình, trong đó có 35 vùng có điểu kiện địa chất công trình phức tạp và rất phức tạp.

Đồng thời, dự án bước đầu đề xuất một số giải pháp quy hoạch sử dụng lãnh thổ hợp lý, hiệu quả, cũng như định hướng quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp điều kiện địa chất công trình từng khu vực, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế vùng ven biển.

“Công tác lập bản đồ địa chất công trình tỷ lệ 1:25.000 vùng trọng điểm Nam Định đã làm rõ đặc điểm địa mạo phần đất liền, đặc điểm địa mạo và thủy thạch động lực đáy biển vùng điều tra, đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, biến động đường bờ biển, đặc điểm địa chất thủy văn; đồng thời, phân vùng địa chất công trình tỷ lệ 1:25.000 vùng ven biển Nam Định thành 12 vùng địa chất công trình, 30 khu và phụ khu địa chất công trình theo mức độ phức tạp về địa chất công trình”, Liên đoàn trưởng Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh.

Mai Đan