“Bắt mạch” đà tăng giá của bất động sản năm 2022

Bất động sản - Ngày đăng : 07:14, 11/01/2022

(TN&MT) - Chênh lệch cung – cầu, nút thắt trong thủ tục pháp lý, giá nguyên vật liệu, giá nhân công tăng sẽ đẩy giá bất động sản bước vào đà “leo thang” mới. Trong bối cảnh đó, những thị trường ven đô nơi ngưỡng giá còn thấp, giàu dư địa tăng trưởng được xem như “nước cờ hay” của các nhà đầu tư.

Dự báo bất động sản năm 2022 tiếp tục hấp dẫn giới đầu tư

Nhận định về thị trường địa ốc năm 2022, các chuyên gia cho rằng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng cao trong năm nay.

Áp lực tăng giá trước tiên đến từ nguồn cung sụt giảm, thuộc ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2021 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS), tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước chỉ đạt 35.852 sản phẩm. Bộ Xây dựng cũng thông báo trong quý III, số lượng dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai rất thấp: Tại Hà Nội có 3 dự án, tại TP. Hồ Chí Minh chỉ có 1 dự án.

Đáng chú ý, dù nguồn cung giảm mạnh do dịch bệnh, giá bất động sản lại không có dấu hiệu giảm, thậm chí còn có hiện tượng sốt giá cục bộ tại một số khu vực, phân khúc. Mới đây, kết quả đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được ghi nhận lên tới 2,43 tỷ đồng/m2, khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực có giá đất đắt nhất thế giới. Đồng thời, một bằng giá mới đã được thiết lập trong dài hạn, làm cơ sở cho những hoạt động kinh doanh, bán hàng trong tương lai của các doanh nghiệp.

Đất “dát vàng” Thủ Thiêm và xác lập mặt bằng giá mới về bất động sản

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguồn cung đã thiếu hụt từ những năm trước, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chính sách, pháp luật của thị trường bất động sản chưa được tháo gỡ triệt để. Thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan bị kéo dài và có nhiều bất cập, chồng chéo.

Ngược lại, lực cầu không ngừng gia tăng khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Trong bối cảnh lạm phát tại Việt Nam có thể đạt ngưỡng 3,9% vào năm sau, bất động sản vẫn khẳng định sức hấp dẫn đã được minh chứng qua nhiều thời điểm tương đồng trong lịch sử, đặc biệt khi so sánh với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán. Dòng tiền chảy về bất động sản sẽ góp phần tạo ra làn sóng tăng giá trong tương lai.

Điều này càng được củng cố khi nguồn vốn FDI cũng đang chọn “bến đỗ” là bất động sản nhà ở và khu công nghiệp với hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư trong 10 tháng đầu năm 2021.

Ngoài ra, bất động sản còn đối mặt với áp lực tăng giá bởi một số yếu tố như: Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lớn, vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50%, giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới.

Vĩnh Phúc: Hưởng lợi đầu tư công, thủ phủ công nghiệp đón đầu làn sóng tăng giá

Dự kiến năm 2022, thị trường bất động sản ở các tỉnh thành sẽ tiếp tục nóng sốt với kế hoạch tăng đầu tư hạ tầng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Vừa qua, Chính phủ đã trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022 và 2023 với tổng quy mô gần 350.000 tỷ đồng, trong đó có tới 113.850 tỷ đồng được đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Cùng kế hoạch mở rộng đô thị của Hà Nội và TP. Hồ Chí minh, sự cải thiện trong hạ tầng khu vực vệ tinh hứa hẹn sẽ tạo đà cho giá đất vùng ven tiếp tục tăng mạnh trong năm tới.

Trong đó, Vĩnh Phúc đang tận dụng ưu thế vàng của một đô thị vệ tinh vùng Thủ đô, kế cận sân bay Nội Bài, sở hữu nhiều tuyến đường cao tốc huyết mạch để trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Nhiều năm qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và quy hoạch đô thị. Đồng thời, Vĩnh Phúc còn hưởng lợi thế từ hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông hiện đại tại khu vực Bắc Thủ đô, đặc biệt là dự án đường vành đai 4, vành đai 5 hứa hẹn sẽ mở ra nhiều hướng kết nối giữa Hà Nội và các khu vực vùng ven.

Trong một năm nhiều biến động do dịch bệnh, Vĩnh Phúc vẫn nổi lên như ngôi sao sáng về sản xuất kinh tế và thu hút FDI. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,02% so với năm 2020, cao thứ 9 toàn quốc. Theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, từ đầu năm nay đến nay, có 35 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn của các dự án FDI đạt 1,015 tỷ USD, bằng 253,75% kế hoạch năm, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số GRDP năm 2021 của Vĩnh Phúc đứng thứ 9 cả nước

Hiện tại, Vĩnh Phúc là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao, quy tụ số lượng lớn các doanh nghiệp là nhà cung cấp lớp 1 của các công ty FDI tại Việt Nam, xếp thứ 4 cả nước, chỉ sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh. Đặc biệt, dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc trị giá hơn 3.800 tỷ đồng có quy mô lớn nhất phía Bắc vừa khởi công hứa hẹn sẽ tạo nên “mắt xích” quan trọng, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt, cũng như kết nối với Hà Nội, Sân bay quốc tế Hải Phòng và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế, hàng hoá giữa Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và các thị trường quốc tế khác.

Phát huy thế mạnh của thủ phủ công nghiệp lâu đời, dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh sẽ đầu tư 23 – 25 khu công nghiệp với tổng quỹ đất 7.000ha, quy tụ hàng trăm ngàn chuyên gia, người lao động trong và ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc.

Đây là những đòn bẩy giúp bất động sản Vĩnh Phúc bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt là phân khúc bất động sản đô thị tích hợp hướng đến những cư dân Hà Nội muốn dịch chuyển về ven đô, cùng đối tượng chuyên gia, lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Lương Bá Tùng, Giám đốc Ban Kinh doanh TMS Group – đơn vị phát triển bất động sản đang triển khai nhiều dự án lớn tại Vĩnh Phúc nhận định: “Tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Vĩnh Phúc đang còn rất lớn. Những sản phẩm thuộc các khu đô thị đủ lớn để tích hợp “All in one” và được đầu tư bởi các Chủ đầu tư uy tín với quy hoạch đồng bộ sẽ là nhân tố mới thu hút thị trường”.

TMS Homes Wonder World (Vĩnh Yên)- Khu đô thị tích hợp tốt nhất Việt Nam 2021

Những năm vừa qua, thị trường bất động sản Vĩnh Phúc đang thiết lập mặt bằng giá mới để tương xứng với tiềm năng của địa phương. Nhưng so với một số thị trường ven đô đang chứng kiến giá đất tăng phi mã như Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, bình quân giá của thị trường Vĩnh Phúc hiện nay còn thấp, đem lại động lực tăng trưởng lớn, dự địa tăng giá cao. Đây là lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư muốn săn hàng đẹp, giá tốt, hứa hẹn tiềm năng sinh lời dài hạn, đón đầu làn sóng tăng giá đất năm 2022.

PV