Nuôi hổ không giúp giảm áp lực săn bắt hổ
Môi trường - Ngày đăng : 15:51, 07/01/2022
Thu giữ hổ nuôi, nhốt trái phép ngày 4/8/2021 tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) |
Theo nghiên cứu, các điều tra viên đã phỏng vấn trực tiếp 228 đối tượng bao gồm 182 người tiêu dùng cao hổ và 46 người có ý định tiêu dùng cao hổ. Toàn bộ các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Hà Nội bởi đây được xem là thị trường chính cho các bộ phận và sản phẩm của hổ, đặc biệt là cao hổ, với đối tượng được khảo sát có độ tuổi từ 23 - 81, đa số là nam giới (84%), đã kết hôn (97%), có trình độ đại học (73%) hoặc trên đại học (14%). Khoảng một phần ba (27,6%) trong số những người được hỏi là quan chức chính phủ trong khi gần một nửa (43%) là chủ doanh nghiệp hoặc kinh doanh tự do. Thu nhập trung bình của đối tượng được khảo sát khoảng 40 - 49 triệu đồng/tháng, gấp hơn 10 lần mức bình quân của cả nước (3,76 đồng triệu/tháng) năm 2018.
Kết quả cho thấy, khoảng 40% sử dụng cao hổ để điều trị xương và 32% sử dụng vì lợi ích sức khỏe nói chung, một số dùng cao hổ với mục đích ngăn ngừa bệnh tật. Gần một nửa số người được hỏi (46%) thừa nhận họ hoặc các thành viên trong gia đình đã mua cao hổ trong khi 48% tuyên bố nhận cao hổ như một món quà. Đáng chú ý là 44,3% những người được hỏi tin rằng sử dụng 100g cao hổ sẽ không chịu các chế tài pháp lý. Phần lớn những người được khảo sát cũng sử dụng các loại thuốc và thực phẩm từ các loài động vật hoang dã quý hiếm khác như sừng tê giác (43%), mật gấu (89%), mật bò tót (37%), nhung hươu (45%), thịt và vảy tê tê (25,4%), vây cá mập (50%).
Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, người tiêu dùng vẫn đặc biệt ưa thích các sản phẩm cao hổ hoang dã bất kể đó có thể là sản phẩm bất hợp pháp và có giá cao hơn các sản phẩm có nguồn gốc từ hổ nuôi hợp pháp, thậm chí, họ có xu hướng chọn mua các sản phẩm cao hổ có tỷ lệ xương hổ cao. Phát hiện này cho thấy, nuôi nhốt hổ không những không làm giảm áp lực đối với quần thể hổ hoang dã mà còn khuyến khích nhu cầu tiêu thụ các bộ phận từ hổ - hoàn toàn phù hợp với lời cảnh báo và kêu gọi của các nhà bảo tồn cùng chuyên gia động vật hoang dã rằng cần loại bỏ càng sớm càng tốt việc nuôi nhốt hổ.
Theo một nghiên cứu sinh tại Đại học Copenhagen và tác giả chính của nghiên cứu, điều đáng lo ngại là những người được phỏng vấn chia sẻ thẳng thắn về sở thích tiêu dùng cao hổ vì họ cho rằng việc sở hữu cao hổ mang lại rủi ro tối thiểu ở Việt Nam. Cao hổ vốn khó xác định ADN từ cá thể hổ riêng biệt nên hiếm khi hành vi sở hữu bị khởi tố. Thay vào đó, các cơ quan chức năng thường truy quét những đối tượng bị bắt do buôn bán hổ hoặc các bộ phận từ hổ.
Tác giả này cho biết, có rất nhiều lỗ hổng và kẽ hở trong luật pháp ở Việt Nam mà những người kinh doanh sản phẩm từ hổ có thể lợi dụng để buôn bán sản phẩm bất hợp pháp này. Đặc biệt, hồ sơ của những người mua cao hổ từ nghiên cứu sẽ rất quan trọng để thiết kế các chiến dịch thay đổi hành vi của người tiêu dùng sang các lựa chọn y học thay thế bền vững hơn. Người mua thường là trung niên, giàu có và có mối quan hệ tốt, hay mua hàng xa xỉ và thuốc cổ truyền, đồng thời, có kiến thức giúp họ tránh được các rủi ro pháp lý và sự trừng phạt của pháp luật. Do vậy, các chiến dịch nên được thiết kế dựa trên những hiểu biết sâu sắc về những người mua cao hổ chứ không phải công chúng nói chung bởi vì sản phẩm này chỉ được một nhóm người tiêu dùng cụ thể săn lùng.
Theo các chuyên gia, trong khi các chiến dịch thay đổi hành vi và loại bỏ dần việc nuôi hổ là những giải pháp có thể giúp hổ hoang dã về lâu dài thì việc kiểm tra, rà soát ngay lập tức tất cả những cá thể hổ đang được nuôi nhốt là rất quan trọng. Cơ sở dữ liệu ADN và dữ liệu nhận dạng sọc vằn sẽ giúp xác định nguồn gốc của bất kỳ cá thể hổ nào bị buôn bán từ các cơ sở nuôi nhốt. Các biện pháp này đã được các nhà chức trách ở các nước cho phép nuôi hổ hứa hẹn từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng.
Song song với việc xây dựng cơ sở dữ liệu hổ nuôi, việc phục hồi các quần thể hổ hoang dã cũng rất quan trọng và sẽ phụ thuộc vào hành động của các quốc gia còn hổ.