Tháo gỡ rào cản tích tụ, tập trung đất đai
Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ngày đăng : 09:54, 07/01/2022
Nhân lên những cánh đồng mẫu lớn
Hợp tác xã nông nghiệp Bình Đào (huyện Thăng Bình) là đơn vị tiên phong đi đầu của tỉnh Quảng Nam trong việc thực hiện chủ trương tích tụ tập trung ruộng đất. Từ mô hình 20 ha tích tụ ruộng đất ban đầu, đến nay HTX đã mở rộng diện tích lên 85 ha, trong đó thuê đất của nhân dân là 20,5 ha, nhân dân góp đất liên kết sản xuất 64,5 ha. Đây là những kết quả tích cực từ chủ trương chỉnh trang đồng ruộng trên diện tích tích tụ tập trung ruộng đất bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 20/NQ-HĐND.
Quảng Nam là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện chủ trương tích tụ tập trung ruộng đất. |
Đến nay địa phương đã thực hiện dồn diền đổi thửa được 12.911 ha (chủ yếu là đất lúa) ở 9 huyện với 70 xã tại 410 thôn, bình quân số thửa/hộ giảm xuống rõ rệt, từ 6- 7 thửa/hộ giảm xuống còn từ 2- 3 thửa/1 hộ. Diện tích đất đã cơ bản được đo đạc, chỉnh lý sau dồn điền, đổi thửa là hơn 11.000 ha, trong đó đã cấp giấy CNQSDĐ hơn 3.500 ha.
Tích tụ ruộng đất đã đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Liên kết sản xuất được duy trì, phát triển ở 7 huyện góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất với 42 doanh nghiệp, sản xuất trên diện tích 4.800 ha. Từ vài mô hình trình diễn đến nay toàn tỉnh có hơn 140 cánh đồng mẫu lớn, hiệu quả kinh tế tăng lên từ 20%- 30% so với sản xuất đại trà. Giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1 ha canh tác được nâng lên hàng năm, đạt 78 triệu/ha (tăng 2,7 triệu/ ha so với năm 2015).
Để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, tính đến đến tháng 7/2021, cả nước có 2.788 xã đã tiến hành dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích 790.000 ha, tăng 96.300 ha so với năm 2016; xây dựng được 1.660 cánh đồng mẫu lớn tại 1.051 xã với sự tham gia của 327.326 hộ dân...
Những cánh đồng mẫu lớn ở xứ Quảng đã góp phần hướng nâng cao giá trị nông nghiệp và phát triển bền vững |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Quản lý đất đai, quá trình tích tụ, tập trung đất đai vẫn còn chậm. Nguyên nhân là do việc thực hiện tích tụ đất đai động chạm đến quyền lợi của hầu hết các hộ dân, khó có được sự đồng thuận. Trong khi đó, tại nhiều địa phương còn thực hiện theo phong trào, áp đặt, thiếu công khai minh bạch, dân chủ và công bằng. Bên cạnh đó, các địa phương thiếu hướng dẫn cụ thể, chưa rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác dồn điền đổi thửa và thiếu sự đầu tư kinh phí và sự đồng thuận của người dân nên quá trình thực hiện kéo dài nhiều năm. Có nơi dồn điền đổi thửa xong nhưng không đo đạc lại, việc cấp GCNQSDĐ còn chậm công tác quản lý hồ sơ địa chính thiếu chặt chẽ là nguyên nhân dễ nảy sinh các vấn đề phức tạp, mâu thuẫn xung đột quyền lợi của người dân.
“Cởi” nút thắt trong tích tụ ruộng đất
Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai), để gỡ nút thắt trong tích tụ ruộng đất, trong quá trình hoàn thiện chính sách phải bảo vệ sinh kế của các nhóm yếu thế như nông dân nhỏ, người dân tộc thiểu số và phụ nữ. Vì vậy, việc điều chỉnh khung chính sách khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp cần bao gồm các khía cạnh khác nhau như phát triển nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hiện đại, đảm bảo sinh kế bền vững cho nông dân. Đảm bảo ổn định chính trị - xã hội sau tích tụ ruộng đất, đặc biệt là các hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất của nông dân, bảo vệ nhóm yếu thế và xây dựng mối liên kết giữa nhóm yếu thế và nhóm thuận lợi trong sản xuất.
Theo đó, bà Hoàng Thị Vân Anh đề xuất Luật đất đai cần được sửa đổi, bổ sung hệ thống phân loại đất theo mục đích sử dụng phù hợp với cơ chế thị trường và thuận lợi cho việc quy định chế độ sử dụng. Nguyên tắc lập quy hoạch, sử dụng đất phải dựa trên phân tích chi phí – lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cũng như chỉ ra được các nhóm hưởng lợi, nhóm chịu thiệt và giải pháp chia sẻ lợi ích đến các nhóm này.
Liên quan đến đề xuất sửa đổi hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, phần lớn các địa phương thống nhất mở rộng hạn mức lên gấp 5 lần so với quy định hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu cho sản xuất lớn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng và quản lý đất lúa; có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có mặt bằng sản xuất cũng như bổ sung một số chính sách, pháp luật về thuế, miễn thuế thu nhập cá nhân của hộ gia đình tham gia thực hiện tích tụ đất đai thông qua phương thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất….
Tuy nhiên theo đánh giá quá trình tích tụ, tập trung đất đai ở nước ta diễn ra còn chậm |
Đứng từ góc độ của người sử dụng đất, ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi đề xuất sửa đổi những điều khoản cụ thể của Luật đất đai. Chẳng hạn, điều chỉnh quy định tại điều 62 làm sao thu hẹp phạm vi thu hồi đất nông nghiệp theo hướng tập trung vào các công trình mục tiêu quốc gia công cộng phi lợi nhuận nhiều hơn là phục vụ các dự án các đầu tư để chia lại lợi nhuận. Các dự án có tính thương mại trong đó thì cần phải thu hồi theo cơ chế là thỏa thuận chứ không thể phụ thuộc nhà nước đứng ra thu hồi.
Về tiếp cận với đất đai, Luật đất đai nên điều chỉnh cho phép các đối tượng khác cũng được nhận chuyển nhượng đất lúa ngoài nông dân để họ có thể tổ chức và đầu tư sản xuất tốt hơn theo hướng thị trường.
Liên quan đến hệ thống thông tin đất đai cần có sự đồng bộ và quy định chi tiết hơn bao gồm những thông tin liên quan đến chuyển dịch, thu hồi và bồi thường đất… như một cơ chế chia sẻ dịch vụ cho các đơn vị muốn giao dịch đất đai.