Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Trong nước - Ngày đăng : 20:20, 06/01/2022

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2021 - 2025, bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 Quốc hội đã bố trí 47.169 tỷ đồng, phần còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng) Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2026 - 2030 bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%, gồm chi phí dự phòng và chi phí bảo hành công trình). Dự án được phân chia thành 12 dự án thành phần, trong đó có đoạn dài 88 km (đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn), có đoạn chỉ dài 36 km (đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi).

Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, tăng cường thanh tra, kiểm toán

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về hồ sơ dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô của dự án; về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; về sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; về hình thức đầu tư; về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; về phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành cũng như cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án theo đề nghị của Chính phủ; đánh giá sự tương quan giữa các dự án trong từng dự án khác nhau và trong tổng thể quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Tổ chiều 6/1

Phát biểu thảo luận tại Tổ 2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết, dự án đường cao tốc Bắc – Nam đã được hoàn thành nhiều đoạn, chẳng hạn như Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn; Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa; Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và một số đoạn khác đang triển khai…

Theo đó, hiện chỉ còn hơn 700km chưa triển khai chứ không phải toàn bộ dự án chưa làm. Tuy nhiên, để dự án có thể triển khai tốt những đoạn còn lại, Chủ tịch nước đề nghị cần tập trung một số việc.

Thứ nhất, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Ở các nước họ chuẩn bị đầu tư cho dự án từ 3-5 năm. Còn nước ta, do công tác quy hoạch, quản lý, kế hoạch trung hạn, dài hạn và nhiều vấn đề khác nên công tác chuẩn bị đầu tư nói chung là gấp gáp, dẫn tới quá trình thi công gặp trở ngại.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chuẩn bị tốt đầu tư chính là ở khâu giải phóng mặt bằng. Đối với dự án, vấn đề giải phóng mặt bằng thường là trở ngại. Đối với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, việc giải phóng mặt bằng được đề xuất giao cho chính quyền địa phương đảm nhận.

"Dưới góc độ Quốc hội, chúng ta bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, trước hết làm tốt tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, để người dân khi đến nơi ở mới có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Giải phóng mặt bằng phải đi liền với tái định cư, quyền lợi người dân phải được đảm bảo", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai là chống thất thoát, lãng phí, không thể để lãng phí, thất thoát lớn xảy ra trên các tuyến giao thông như cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Phải tìm những đơn vị thi công có năng lực để thực hiện. Đi cùng với đó phải chấm dứt tình trạng bán thầu.

"Nhiều đơn vị, nhờ quan hệ nên trúng thầu, sau đó bán thầu lại cho B, B’… như vậy qua nhiều bước trung gian. Ví dụ như dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Dự án này nói chung trên toàn tuyến là tốt nhưng có một số gói bán thầu nên định mức vật tư, rồi những việc khác bị ảnh hưởng, dẫn tới chất lượng công trình bị ảnh hưởng", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu và nhấn mạnh: "Đây là kinh nghiệm hết sức sâu sắc trong quá trình chỉ đạo xây dựng cao tốc Bắc- Nam".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng, không thể buông lỏng. Dự án khi triển khai phải đảm bảo làm đúng yêu cầu, đúng thiết kế, tránh thất thoát, lãng phí. Đưa kiểm toán vào ngay từ đầu để tránh chuyện nâng giá, thay đổi định mức.

"Việc đấu thầu đơn vị thi công phải chọn lựa đơn vị tốt nhất, tránh tình trạng thất thoát thông qua chỉ định thầu. Những vấn đề khác có thể tạo điều kiện triển khai là tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, có thể triển khai chỉ định thầu trên cơ sở giảm giá dự toán bao nhiêu % nhằm nhanh chóng có đơn vị thiết kế, thẩm định", Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, với một khối lượng công trình lớn như dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cần có phát động thi đua trong ngành Giao thông vận tải, các địa phương có liên quan để thúc đẩy mạnh mẽ nhất, đảm bảo tốc độ, chất lượng và sớm hoàn thành dự án để phục vụ kinh tế- xã hội, phát triển đất nước.

Chủ tịch nước nhắc tới gói kích thích kinh tế tài khóa đang được Quốc hội thảo luận. Theo ông, chưa bao giờ chúng ta có gói lên tới 15-16 tỷ USD như hiện nay. Tuy nhiên, tiền phải phát huy hiệu quả, tiền phải đúng người đúng việc, phải đảm bảo chất lượng, phát huy tác dụng. Tiền mà thất thoát qua trung gian, qua doanh nghiệp không trực tiếp đóng góp thì rất khó khăn.

Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn với Bộ Giao thông vận tải và ngành chức năng có quy chế tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa trong quá trình quản lý cao tốc để phát huy tác dụng, giảm thiểu những mặt phức tạp có thể xảy ra khi thi công và vận hành. Một trong số đó là phải số hóa, triển khai thu phí không dừng như phương án mà Bộ Giao thông vận tải đã trình khóa trước.

Cần cơ chế đặc thù cho dự án

Bày tỏ sự đồng tình với hồ sơ và Tờ trình của Chính phủ về việc trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp bất thường này, ông Lê Hoàng Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, bày tỏ băn khoăn về việc phân chia 12 dự án thành phần có nhiều điểm chưa rõ. Theo đó, Chính phủ cần giải trình kỹ hơn về việc tại sao lại chia thành 12 dự án thành phần. Trong đó có dự án thành phần rất ngắn, 36km đó là đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, nhưng lại có dự án thành phần rất dài 88km như Quảng Ngãi – Hoài Nhơn; có dự án thành phần bố trí kinh phí chỉ là 7.404 tỷ đồng, nhưng lại có dự án tành phần bố trí gấp 3 lần với 23.898 tỷ đồng. Trong khi 12 dự án thành phần này theo Tờ trình của Chính phủ là các dự án độc lập để quyết định đầu tư.

Đại biểu Lê Hoàng Anh phát biểu tại Tổ chiều 6/1. Ảnh: Thanh Tùng

Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, điều này sẽ liên quan đến vấn đề tiếp theo là nếu Chính phủ trình theo gói tài khóa, tiền tệ thì dự án này trong 2 năm 2022, 2023 sẽ phải giải ngân được hơn 30.000 tỷ đồng. Trong khi, nếu không có cơ chế áp dụng chính sách đặc thù cho dự án này thì sẽ không triển khai được, không đạt được mục tiêu đề ra.

“Chúng ta biết giai đoạn 2016-2025, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng không hoàn thành được tiến độ và chúng ta đang phải bàn đến câu chuyện chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công. Nhưng đến nay nhiều đoạn vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, Chính phủ cũng không trình tại Tờ trình dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 những cơ chế đặc thù mà chỉ trình trong gói tổng thể tài khóa, tiền tệ cho chung các dự án đầu tư phát triển. Do vậy, Chính phủ và các đại biểu Quốc hội cần đề xuất đưa vào Nghị quyết một số cơ chế chính sách đặc thù mới triển khai được dự án này theo Tờ trình của Chính phủ”, đại biểu Lê Hoàng Anh nói.

Một điểm khác, đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết 52 của Quốc hội về đầu tư tuyến cao tốc này với 11 dự án thành phần độc lập. Tất cả 11 dự án thành phần có tổng vốn đầu tư mỗi dự án thành phần dưới 10.000 tỷ đồng. Như vậy Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền thẩm định đầu tư. Nhưng với giai đoạn 2021-2025 này, chỉ có 2/12 dự án thành phần dưới 10.000 tỷ đồng, còn lại là trên 10.000 tỷ đồng. Khi đó sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và kéo theo quy trình, thời gian thực hiện các thủ tục rất lâu, tối thiểu mất 90 ngày. Trong khi kế hoạch trình của gói tài khóa, tiền tệ lại rút ngắn rất nhiều. Nếu không có chính sách đặc thù trong dự án này sẽ không triển khai được.

“Tôi đề nghị cần nghiên cứu, xem xét cho dự án này một chính sách đặc thù, đó là trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần thực hiện tương tự dự án nhóm A theo quy định của pháp luật đầu tư công. Có như vậy mới rút ngắn được thời gian và thực hiện được dự án”, đại biểu Lê Hoàng Anh đề xuất.

Cùng với đó, đại biểu Lê Hoàng Anh cũng đề xuất, cần cá thể hóa và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu để dự án chậm tiến độ, hoặc giải ngân không đảm bảo theo quy định. Đồng thời, có chính sách để áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới có giá thành hạ thấp để cung cấp cho dự án cao tốc này, đặc biệt là tuyến Cần Thơ - Cà Mau, nơi có nền đất yếu, chi phí nguyên vật liệu cho đoạn này rất khó khăn.

Phát biểu thảo luận tại Tổ chiều nay, bên cạnh một số nội dung về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân, một số đại biểu cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm rõ về suất đầu tư dự án. Theo đại biểu Tô Việt Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, công nghệ làm đường hiện nay đã khác nhiều, do vậy con số tổng mức đầu tư cũng cần được xem xét lại.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Tổ. Ảnh: Quốc Chính

Đề cập tới suất đầu tư, đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Đoàn đại biểu tỉnh Sóc Trăng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhắc tới ý kiến của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, cơ quan kiểm toán đã tính toán lại tổng mức đầu tư thì giảm 16.330 tỷ đồng so với tờ trình của Chính phủ, bình quân 152,9 tỷ đồng/km (không bao gồm giải phóng mặt bằng).

Cụ thể, theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư cho 729 km đường cao tốc Bắc - Nam có thể là 130.605 tỷ đồng. Trong khi đó, số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư quy mô 4 làn trong tờ trình là 146.990 tỷ đồng trên 729 km. Tức là bình quân mỗi km đường dự án cao tốc Bắc - Nam là 175,4 tỷ đồng (không tính chi phí giải phóng mặt bằng). Con số này, theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng là cao. Song cũng phải tính thêm một số đoạn đi qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có suất đầu tư lớn do nền đường yếu, vật liệu xây dựng khan hiếm.

"Tuy nhiên tính ra trung bình với con số là 175,4 tỷ đồng thì đã thực sự phù hợp hay chưa?", đại biểu Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề và cho rằng các đại biểu khi nêu ý kiến có thể tập trung vào vấn đề này. Từ đó đề nghị Chính phủ cần có những giải trình thuyết phục đại biểu với những tính toán cụ thể. "Tất nhiên tổng mức đầu tư sơ bộ ở bước tiền khả thi này mang tính khái toán thôi. Nhưng cũng phải có cơ sở, tính xa quá cũng không được", đại biểu Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Thanh Tùng