Sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành

Trong nước - Ngày đăng : 12:55, 06/01/2022

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ sáng 6/1

Dự thảo Luật gồm 10 điều, gồm: 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật nhằm các mục tiêu tăng cường phân quyền cho các địa phương trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư; tháo gỡ một số khó khăn trong: triển khai lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; hoạt động quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, góp phần tăng tỷ lệ thi hành án về tiền, tạo điều kiện rút ngắn thời gian, giảm bớt các chi phí và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án.

Đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng, thừa nhận về mặt pháp luật cho hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ an ninh mạng, phù hợp với yêu cầu bảo vệ các mục tiêu trọng yếu quốc gia về an ninh mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; khuyến khích thu hút vốn, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia...

Thảo luận tại Tổ số 06, các đại biểu Quốc hội thuộc các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, Hậu Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Trị, Đồng Tháp, Đắk Lắk bày tỏ tán thành về sự cần thiết ban hành dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Các đại biểu cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về việc ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 149 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã tiếp thu nhiều ý kiến, báo cáo bổ sung thông tin, giải trình nhiều nội dung theo yêu cầu của Tổng Thư ký Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thể hiện sự quyết tâm, hành động của Chính Phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thể chế cho doanh nghiệp nhanh nhất có thể.

Khẳng định sự cần thiết và ý nghĩa của việc ban hành dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự là một dự án Luật lớn, tổng hợp, bao hàm rất nhiều chính sách lớn ở các lĩnh vực khác nhau, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Qua việc sửa đổi dự án Luật này, các đại biểu cũng cho rằng, nó còn thể hiện sự chủ động, năng động của Quốc hội, đảm bảo tính kịp thời và tinh thần đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, vì lợi ích của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp, người dân.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, các đại biểu đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Để đảm bảo dự án đầu tư nhóm B và C được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn khi phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư công quy định Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) trong phạm vi tổng số kế hoạch vốn trung hạn được Quốc hội quyết định cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài như vậy sẽ giảm thiểu được các thủ tục hành chính, mang lại hiệu quả phù hợp hơn. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Vũ Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ bày tỏ băn khoăn, tại sao dự thảo Luật chưa bổ sung nội dung phân quyền cho cả các dự án nhóm A để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án và tăng trách nhiệm đối với thủ trưởng cơ quan chủ quản đối với các dự án này.

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị dự thảo Luật cần có quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của các Bộ, ngành khi quyết định các chủ trương đầu tư.

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Tổ

Lý giải lý do chưa quyết định phân cấp, phân quyền đối với các dự án thuộc nhóm A tại phiên họp, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, các dự án nhóm A là những dự án có quy mô lớn, nguồn vốn, nguồn lực lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế đất nước. Trong khi đó, năng lực, kinh nghiệm ở các tỉnh, địa phương có quy mô kinh tế nhỏ còn chưa theo kịp. Do vậy, chúng ta cần cân nhắc thận trọng để kiểm soát chặt chẽ, nhất là những dự án này có liên quan lớn đến nguồn lực đất đai, nguồn lực tài chính của quốc gia. Do vậy, trước mắt, chúng ta mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đối với các dự án thuộc nhóm B, C và từng bước mở rộng phân cấp dần đối với các dự án thuộc nhóm A nếu qua thực tiễn vận hành, triển khai đảm bảo an toàn và có những dấu hiệu tích cực.

Đối với các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Doanh nghiệp, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật làm rõ hơn về khái niệm, cách xác định “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh” và “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh” để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn khi áp dụng…

Tại phiên họp, các đại biểu cũng góp ý vào những nội dung cụ thể liên quan đến việc sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Tổ

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng các nội dung trong dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Khẳng định đây là một dự án Luật khó, phức tạp, chưa có tiền lệ mà Quốc hội lần đầu cho ý kiến, các nội dung chính sách có ý nghĩa, tác động lớn đến kinh tế, xã hội nước ta trong thời gian tới, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát tổng thể, chi tiết các nội dung sửa đổi để đảm bảo tính khả thi. Các nội dung sửa đổi cần bám sát tinh thần phân cấp, phân quyền gắn liền với thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong triển khai thực hiện; khơi thông các nguồn lực, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp; tạo sự minh bạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…

Thanh Tùng