Lấy ý kiến các Bộ, ngành về xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)
Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ngày đăng : 13:22, 05/01/2022
Sau hơn 7 năm tổ chức thi hành Luật, công tác quản lý và sử dụng đất đã đạt được những kết quả quan trọng. Quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường và có hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển tương đối nhanh; thể chế, chính sách cho phát triển thị trường từng bước được hoàn thiện. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được bảo đảm và phát huy.
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Bộ TN&MT |
Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi với khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội và an ninh lương thực quốc gia… Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc tham nhũng, vi phạm chính sách, pháp luật đất đai được xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Có lúc, có nơi chưa thực sự đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư khi thực hiện chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chính sách tài chính đất đai, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất thu hồi, gây khiếu nại, khiếu kiện và ảnh hưởng đến ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể.
Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; chưa theo hướng tiếp cận quy hoạch không gian, dựa vào hệ sinh thái. Việc tổ chức thực hiện các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; công tác đăng ký đất đai chưa được thực hiện nghiêm. Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp. Thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do chính sách, pháp luật còn hạn chế, bất cập, cần thiết phải được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế.
Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu trực tuyến |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, chuẩn bị nội dung dự thảo Luật Đất đai. Ngày 3/12/2021, Bộ đã gửi Dự thảo Luật và Tờ trình để lấy ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật Đất đai; những bài học kinh nghiệm và các giải pháp cụ thể để khắc phục, đặc biệt là các giải pháp chính sách đột phá cần phải có để quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên, tài sản đất đai.
Đồng thời, cho ý kiến về bố cục mới của dự thảo Luật và một số định hướng dự kiến sửa đổi cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai; những nội dung khác chưa được đề cập đến trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng đã phát sinh trên thực tiễn hoặc những chính sách cần phải tính đến để Luật Đất đai có được tầm nhìn dài hạn.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu và yêu cầu Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ nghiêm túc tiếp thu, phân tích và tổng hợp để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục có những ý kiến trong quá trình xây dựng Luật.