Đà Nẵng: Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn
Môi trường - Ngày đăng : 13:22, 05/01/2022
Phát huy vai trò của người đứng đầu
Vào những ngày cuối tuần, người dân tổ 39, phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) lại hồ hởi thu gom phân loại rác thải, vệ sinh đường phố. Đây là một trong những hoạt động xây dựng môi trường khu phố "sáng, xanh, sạch, đẹp”, được bà con thực hiện hằng tuần từ những năm qua. Để duy trì, phát triển hoạt động này, những người đứng đầu Chi bộ của khu dân cư đã tập hợp, gắn kết, vận động người dân cùng tham gia, quyết tâm xây dựng khu dân cư văn minh.
Ông Nguyễn Trung Tấn, Bí thư Chi bộ tổ 39, phường Hoà Thuận Tây cho biết: Chúng tôi vừa tuyên truyền vừa tham gia thu gom rác thải sau khi phân loại, dần tạo thành thói quen của người dân. Số tiền thu được từ việc bán rác thải nhựa, bìa cạc tông được sử dụng đưa vào quỹ của tổ để thực hiện hỗ trợ gia đình khó khăn, trẻ em hiếu học, từ đó cắt giảm tiền đóng quỹ nên bà con rất ủng hộ.
Người dân phường Xuân Hà, quận Thanh Khê tích cực phân loại rác thải tại nguồn |
Tương tự, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cũng là một trong những địa phương tiêu biểu trong thu gom rác thải gây quỹ ở địa phương. Ông Trần Văn Thiều, Bí thư Chi bộ khối phố Thuận An 5, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cho biết, mô hình thu gom rác thải nhựa gây quỹ phục vụ an sinh xã hội đã được địa phương thực hiện thí điểm từ cách đây 3 năm, đến nay qua thực hiễn cho thấy việc thu gom các loại rác tài nguyên như vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, giấy bìa một cách thường xuyên đều đặn đã góp phần thúc đẩy việc giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác thải tại nguồn.
Vận động người dân chung tay
Việc triển khai các chương trình phân loại rác tại nguồn ở thời điểm hiện tại không chỉ giúp tăng cường công tác quản lý chất thải rắn của thành phố, mà còn giảm áp lực rất lớn đối với việc xử lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, rác thải sau phân loại sẽ trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho các hoạt động tái sử dụng, tái chế, hướng tới hình thành nền kinh tế tuần hoàn.
Bà Nguyễn Thị Kim Hà – Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng) cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện phân loại tại nguồn, cùng với việc triển khai các hoạt động phân loại rác tại nguồn, hệ thống văn bản chính sách, quy định về quản lý phân loại rác tại nguồn cơ bản đã được cấp chính quyền của Đà Nẵng ban hành đồng bộ. Các ngành, quận, huyện sớm hoàn thiện phương thức phân loại, lưu chứa và thu gom phân loại rác tại nguồn cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn dân cư.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật về thu gom và vận chuyển chất thải rắn trong đô thị dần được cải thiện, hướng tới ổn định trong năm 2022-2023, góp phần hoàn thiện phương thức triển khai 3R - Giảm thiểu (Reduce), tái chế (Recycle) và tái sử dụng (Reuse).
Phân loại rác tại nguồn đã giảm áp lực rất lớn đối với việc xử lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. |
Đến nay, thành phố đã thu gom được 1.500 tấn rác tài nguyên, mang về hơn 3 tỷ đồng cho các hội, đoàn thể từ bán rác tài nguyên. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị, hội, đoàn thể đã thu được 3,34 tấn rác nguy hại và 1.100 tấn rác có kích thước lớn, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định. Hiện đã có 63% tổng số hộ gia đình, 83% tổng số tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã tham gia phân loại rác.
Hải Châu, Thanh Khê là quận thực hiện rất tốt công tác phân loại rác tại nguồn trong hơn 2 năm qua và đã thu gom rác tái chế được 633 tấn. Tiếp sau đó là huyện Hòa Vang với 249 tấn rác tái chế, các quận khác thu gom được 130 tấn rác tái chế.
Tuy nhiên, tổng số hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện phân loại rác tại nguồn chỉ ở mức trung bình nên cần phải đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phân loại rác tại hộ gia đình và doanh nghiệp.
“Trong năm 2022, chúng tôi tiếp tục truyên truyền, hướng dẫn và đẩy mạnh tổ chức phân loại rác tại nguồn; xây dựng và nhân rộng các mô hình về phân loại rác, quản lý rác thải nhựa; thúc đẩy tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện phân loại rác. Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục tăng cường kêu gọi các dự án quốc tế hỗ trợ các địa phương quản lý rác, phân loại rác tại nguồn và quản lý rác thải nhựa”, bà Nguyễn Thị Kim Hà nhấn mạnh.