Thành phố Hồ Chí Minh: Thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 07:43, 01/01/2022

(TN&MT) - Năm 2021, TP.HCM đã gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ra. Tuy nhiên, bằng mọi nỗ lực cố gắng, quyết tâm, với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước, TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Vượt qua đại dịch

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI; năm đầu tiên thành phố triển khai thực hiện Đề án mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM. Đây cũng là năm khởi đầu với nhiều niềm tin và kỳ vọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhưng, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư dữ dội đã đặt TP.HCM trước sự đối mặt khốc liệt. Sau gần 5 tháng tập trung tối đa nhân lực, vật lực, ưu tiên phòng, chống dịch, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Trung ương, sự hỗ trợ to lớn từ các Bộ, ban, ngành, địa phương, sự đồng cam cộng khổ, chung tay góp sức của toàn thể nhân dân và cộng đồng xã hội, đến cuối tháng 9/2021, TP.HCM đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Song, thành phố đã gánh chịu nhiều tổn thất hết sức nặng nề, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội và trên các lĩnh vực, trong đó có kinh tế.

Ngành TN&MT TP.HCM đã tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn khối lượng rác thải y tế trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát

Theo Báo cáo của UBND TP.HCM, GRDP năm 2021 trên địa bàn TP.HCM ước giảm 6,78% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (đây là năm đầu tiên TP.HCM tăng trưởng âm). Trong đó, riêng quý III/2021, thực hiện triệt để giãn cách xã hội đã kéo tốc độ tăng trưởng giảm đến 24,39% so với cùng kỳ. Ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 của TP.HCM do đại dịch Covid-19 khoảng 273.000 tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 9/2021, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, TP.HCM đã từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nhờ vậy, thành phố đã cơ bản hoàn thành 13/29 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, dù trong điều kiện dịch bệnh, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm 2021.

Ngoài ra, thành phố đã triển khai 3 gói hỗ trợ để tập trung đảm bảo công tác an sinh xã hội chăm lo đời sống nhân dân gặp khó khăn do đại dịch. Đến nay, tổng số người nhận các gói hỗ trợ là hơn 8,48 triệu người với hơn 12.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tiếp tục được quan tâm, chú trọng, có những đóng góp quan trọng cùng thành phố vượt qua đại dịch và góp phần vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Trong đó, đặc biệt nổi bật là ngành TN&MT thành phố đã huy động tối đa lực lượng để tiến hành thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn khối lượng khổng lồ rác thải y tế liên quan đến Covid-19. Trong lĩnh vực đất đai, TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thu về ngân sách 37.000 tỷ đồng.

Các ngành chức năng, lực lượng TP.HCM chăm lo cho người dân vượt qua đại Covid-19 

Nâng khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế

Trên cơ sở kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ năm 2021, TP.HCM tự tin, chủ động bước vào năm 2022 với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Thành phố đã đề ra 19 chỉ tiêu cho năm 2022, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) dự kiến từ 6 - 6,5%; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; phấn đấu đạt tỷ lệ 20,4 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân…

Đồng thời, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch; duy trì xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 13,32%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,32km/km2; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 6,6 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,2m2/người; diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,57m2/người…

TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 6 - 6.5%

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, để hoàn thành những mục tiêu trên, thành phố sẽ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của kinh tế. Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”. Đồng thời, TP.HCM sẽ tập trung triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025; rà soát xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, trước mắt tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nhằm kéo giảm suy thoái kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng.

Cũng theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, điều kiện để thành phố mở cửa nền kinh tế ngoài việc phủ kín tỷ lệ tiêm vắc-xin, sẽ ưu tiên trọng tâm vào quan tâm, củng cố y tế cơ sở. Theo đó, giải pháp trước mắt của TP.HCM là xây dựng các trạm y tế lưu động để có thể huy động lực lượng từ bên ngoài, quân y, y tế tư nhân, kể cả cán bộ y tế hưu trí khi cần… Đồng thời, sẽ dành một khoản ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng mới hoặc sửa chữa trạm y tế, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Sau mức tăng trưởng âm 6,78% của năm 2021, mục tiêu GRDP đạt 6 - 6,5% của năm 2022 là chỉ tiêu phấn đấu rất cao, thể hiện khát khao hồi phục và phát triển trong thời gian tới của thành phố. Vì vậy, toàn hệ thống chính trị phải thể hiện một quyết tâm lớn, được cụ thể hóa bằng những giải pháp mang tính khả thi và hiệu quả”. 

Ông Nguyễn Văn Nên

Ủy viên Bộ Chính trị Bí thư Thành ủy TP.HCM

Nguyễn Quỳnh