25 năm phát triển tỉnh Vĩnh Phúc: Phấn đấu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của cả nước
Kinh tế - Ngày đăng : 07:42, 01/01/2022
Ngay sau khi được tái lập, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã nhanh chóng định hình con đường phát triển của tỉnh. Đó là: lấy công nghiệp - xây dựng làm mũi nhọn đột phá; nông nghiệp làm nền tảng ổn định đời sống nhân dân; thương mại - du lịch - dịch vụ là chỗ dựa giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh làm đòn bẩy cho quá trình đổi mới toàn diện.
Qua 5 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, mỗi nhiệm kỳ có sự đổi mới tư duy sáng tạo, mạnh dạn hơn. Tỉnh đã triển khai các chủ trương, chính sách quốc gia về thu hút đầu tư, mạnh dạn ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh tạo sự thông thoáng về môi trường đầu tư, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong 3 năm đầu tái lập, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Italia… đã đến Vĩnh Phúc đăng ký đầu tư lâu dài. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 7,1 tỷ USD từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025. |
Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh. Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 13.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 150 nghìn tỷ đồng. Các ngành nghề kinh doanh ngày càng đa dạng, phong phú. Các doanh nghiệp Nhà nước cũng được sắp xếp, điều chỉnh cho phù hợp. Một số mô hình hợp tác xã kiểu mới hình thành, góp phần khôi phục, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động vùng nông thôn.
Năm 2021, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 63,51% tổng giá trị tăng thêm của 3 khu vực kinh tế (năm 1997 tỷ trọng khu vực này là 18,4%). Năng suất lao động năm 2021 đạt 212 triệu đồng. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 42,7%/năm chủ yếu là yếu tố vốn. Hiệu quả vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh ở mức khá, theo hệ số ICOR đạt khoảng 4 - 4,5.
Cùng với công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển vững chắc. Các mô hình sản xuất quy mô vừa và lớn được hình thành. Kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa, đặc biệt là trang trại chăn nuôi, thủy sản bắt đầu phát triển. Quan trọng hơn là người nông dân đã chuyển đổi tư duy tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Một số sản phẩm nông nghiệp bắt đầu tham gia vào các chuỗi cung ứng. Có 22 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP. Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường dần đi vào hoạt động đem lại cơ hội kinh doanh nông sản cho cả một vùng rộng lớn.
Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện... Diện mạo nông thôn Vĩnh Phúc đã có sự thay đổi toàn diện. Nhiều địa phương trở thành miền quê đáng sống. Đời sống, cảnh quan các làng quê ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.
Ngay từ ngày đầu tái lập, tỉnh đã chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi và thông tin liên lạc. Hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc được định hình đồng bộ, hiện đại, phù hợp quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Đến nay, toàn tỉnh có gần 30 đô thị, tỷ lệ dân số đô thị chiếm khoảng 46%. Cùng với thành phố Vĩnh Yên đô thị loại II và thành phố Phúc Yên đô thị loại III, nhiều huyện đang phấn đấu trở thành thị xã. Nhiều công trình lớn đã và đang được triển khai tạo điểm nhấn cho đô thị như Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, cầu Đầm Vạc…
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Phúc. |
Các loại hình kinh doanh, dịch vụ ngày càng phong phú, phục vụ đời sống nhân dân và phát triển du lịch. Trong đó, phát triển mạnh nhất là dịch vụ vận tải, thông tin, bưu chính, tài chính, tín dụng. Hạ tầng du lịch ở các khu du lịch trọng điểm như Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Đại Lải được đầu tư hiện đại. Nhiều khu đô thị sang trọng, sân golf, khu vui chơi giải trí lớn đang được xây dựng. Cùng với công nghiệp, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai gần.
Hiện nay, Vĩnh Phúc là một trong 16 tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương. 5 năm trở lại đây, bình quân thu ngân sách của tỉnh đạt từ 32 - 33 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, Vĩnh Phúc đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, tuy chưa đạt kế hoạch, song, lại là mức tăng trưởng ấn tượng so với cả nước. Ước tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 32,1 nghìn tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2021 ước đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong giai đoạn 1997 - 2021 bình quân tăng 13,4%/năm.
Là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc còn là điểm sáng về thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ. Bình quân mỗi năm, tỉnh dành ngân sách hơn 300 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,44%. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công.
Giáo dục và đào tạo nhiều năm qua luôn đạt thành tích cao, bảo đảm chất lượng đại trà cũng như đào tạo mũi nhọn. Đến năm 2019, toàn bộ trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Năm 2021, điểm thi tốt nghiệp THPT bình quân của tỉnh đứng thứ 5 toàn quốc, dẫn đầu về số lượng giải Nhất và tỷ lệ học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp theo chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được chú trọng đầu tư. Các Chương trình Mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai có hiệu quả.
Công tác an ninh - quốc phòng địa phương luôn được quan tâm. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện chặt chẽ, đạt chỉ tiêu. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
|
Từ thực tiễn kết quả đã đạt được, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, Vĩnh Phúc đã tạo được sự đồng thuận, chung sức chung lòng của nhân dân hướng tới mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng “Giàu đẹp, phồn vinh” như lời Bác Hồ dạy khi Người về thăm Vĩnh Phúc năm 1963.
Nhờ đó, khơi dậy được các nguồn lực từ trong nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp đoàn kết để các Nghị quyết, chương trình hành động và các mục tiêu phấn đấu đều được thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư là một minh chứng cho sự ủng hộ của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 14 khu công nghiệp đã thành lập, trong đó 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Nhiều khu công nghiệp được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại như Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên II, Thăng Long Vĩnh Phúc.
Được sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới. 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng nông thôn đã được nâng cao đáng kể.
Thứ hai, công tác xây dựng Đảng luôn được các thế hệ cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm chăm lo, vun đắp. Thế hệ cán bộ đi sau học tập kinh nghiệm từ các thế hệ cán bộ đi trước, phát huy dân chủ, trí tuệ trong Đảng. Các chủ trương, Nghị quyết ban hành đều sát với thực tiễn. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp luôn coi trọng rèn luyện phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, tiên phong trong việc mới, việc khó, gương mẫu trong công tác và lối sống.
Năm 2021, Vĩnh Phúc thực hiện thí điểm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch các huyện, thành phố và 6 Giám đốc Sở, lấy kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao làm cơ sở đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Đây là bước đi đột phá, thể hiện quyết tâm chính trị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đánh giá đúng để sử dụng đúng và trúng cán bộ nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ cả về phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Thứ ba, bài học về củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành, đưa ra nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, khai thông các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động của HĐND các cấp từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề của địa phương. UBND các cấp có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.
Công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền có nhiều đổi mới, chủ động và năng động hơn. UBND tỉnh đã phê duyệt 31 đề án nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước tạo điều kiện để 22 Sở, ngành và 9 huyện, thành phố tập trung tháo gỡ, khơi thông các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Vĩnh Phúc chịu tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19. Nhưng với phương châm “Tất cả vì sức khỏe con người”, tỉnh đã kịp thời ban hành các chính sách riêng hỗ trợ tốt nhất cho người dân, người lao động, như: Hỗ trợ kinh phí tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19; chế độ hỗ trợ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ công nhân lao động mất việc làm; tổ chức hỗ trợ người dân quê Vĩnh Phúc gặp khó khăn tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội; đón công dân tại các địa phương phía Nam về quê bằng máy bay.
Trong gian khó, không người dân nào của Vĩnh Phúc bị bỏ lại phía sau! Đây là bài học rất quan trọng về ý thức trách nhiệm của người đứng đầu không để bị động mà phải luôn đi sát cơ sở, nắm tình hình và xử lý kịp thời các tình huống đột xuất để giữ ổn định cả về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và lòng dân.
Thứ tư, vai trò của MTTQ các cấp ngày càng được phát huy. Có thể nói, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và vai trò giám sát, phản biện xã hội; tích cực vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Minh chứng cho điều này là các cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đều thành công tốt đẹp; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, quyên góp giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt… đều được quần chúng nhân dân ủng hộ, tham gia tích cực.
Thứ năm, vai trò của tổ chức đảng ở cơ sở và sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trên mọi lĩnh vực công tác, sản xuất, đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng lãng phí và các tệ nạn xã hội khác.
Nhờ phát huy được tính năng động, tích cực, nhiều cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tham gia tích cực các cuộc vận động, gương mẫu trong công tác, lao động, sản xuất, giữ gìn đạo đức, phong cách của người đảng viên và đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng với chi bộ, làng xóm, khu phố, được nhân dân tín nhiệm. Cán bộ đảng viên không những là người tuyên truyền, hướng dẫn, thuyết phục nhân dân mà còn là đầu tàu thực hiện các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đây là nhân tố quyết định mọi thành công của các phong trào và mọi thắng lợi của các chủ trương, đường lối của Đảng ở cơ sở.
25 năm qua là khoảng thời gian không dài, song, đối với Vĩnh Phúc, đó là sự trở mình mạnh mẽ. Từ một tỉnh thuần nông, đất không rộng, người không đông, thu nhập bình quân đầu người thấp, nguồn thu ngân sách không đủ chi, nhưng với truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Chính phủ.
Trân trọng những thành quả to lớn đạt được trong 25 năm qua, dù phía trước còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc tiếp tục phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; hoàn thành các tiêu chí của một thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Hoàng Thị Thúy Lan
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc