Hà Tĩnh: Các cụm công nghiệp tạo đà cho làng nghề phát triển xanh và bền vững

Môi trường - Ngày đăng : 18:08, 31/12/2021

(TN&MT) - Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều cơ chế chính sách đầu tư nhằm định hướng phát triển bền vững. Trong đó, xã hội hóa xây dựng các cụm công nghiệp- làng nghề tập trung được đánh giá là bước đi hiệu quả.

Hà Tĩnh hiện có 30 làng nghề truyền thống, trong đó có năm làng nghề và tám nghề truyền thống được công nhận. Với thực trạng hoạt động, việc quan tâm xử lý môi trường tại các làng nghề đang đặt ra nhiều thách thức, cần phải được quan tâm đúng mức.

Một trong những địa chỉ làng nghề nổi tiếng ở Hà Tĩnh- Làng mộc Thái Yên. Theo tìm hiểu, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ ở làng nghề mộc Thái Yên đều nằm ven đường, xen lẫn với khu dân cư đông đúc. Các gia đình thường tận dụng nhà ở làm nơi chế biến gỗ, kiêm luôn điểm kinh doanh giao dịch với khách hàng.

Hoạt động sản xuất, chế biến gỗ gây tác động rất lớn đến môi trường

Tác hại của hoạt động sản xuất, chế biến gỗ gây ô nhiễm đến môi trường, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế là vấn đề đã được cảnh báo. Sau khi các cơ quan chuyên môn sở tại khuyến cáo, nhiều hộ dân ở làng nghề mộc Thái Yên, huyện Đức Thọ đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất từ thủ công sang áp dụng khoa học công nghệ trong việc phát triển.

Ngoài ra, việc hình thành Cụm công nghiệp tập trung được xác định là một trong hướng đi bền vững đã được chính quyền địa phương, các cấp, các ngành tại Hà Tĩnh xem đây là nhiệm vụ phải làm ngay. Nhờ vậy, Cụm công nghiệp Thái Yên cũng từ đó được ra đời trên diện tích 11,33 ha với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Ông Thái Sơn Vinh, Trưởng Phòng TN&MT huyện Đức Thọ cho biết: “Sau khi Cụm công nghiệp làng nghề Thái Yên đi vào hoạt động đã hình thành nên khu chế biến tập trung. Các cơ sở đều có máy móc, thiết bị hạn chế phát tán sơn ra môi trường và được các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát công tác bảo vệ môi trường”.

Hiện tại ở làng mộc Thái Yên, có hơn 1000 hộ dân chuyên sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ cao cấp thì có trên 80% doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn xã đã chủ động ứng dụng công nghệ để tự động hóa sản xuất mộc, mang lại hiệu quả cao về kinh tế và hạn chế được ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là các hộ sản xuất lớn ở cụm công nghiệp đã có sự đầu tư, áp dụng thành tựu tiên tiến của KHCN vào sản xuất đồ mộc như hệ thống phun sơn, máy tiện bằng vi tính, máy góc lượn…

Ông Nguyễn Viết Duyến một trong những doanh nghiệp đi đầu xây dựng xưởng tại cụm công nghiệp cho biết: Ra cụm không chỉ có mặt bằng rộng rãi mà môi trường cũng đảm bảo, năng suất lao động tăng cao góp phần giúp cơ sở phát triển.

Hà Tĩnh đang tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sớm tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Đặc biệt là nghị quyết 86 HĐND tỉnh về chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo

Cùng với các cơ chế chính sách của tỉnh Hà Tĩnh, hiện này cụm công nghiệp Thái Yên mở rộng, hạ tầng hiện đại đang thu hút nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh nghề mộc trên địa bàn vào đầu tư. Đây là mô hình kiểu mẫu đầu tiên của Hà Tĩnh về xã hội hóa đầu tư cụm công nghiệp gắn với phát triển làng nghề truyền thống.

Cũng như làng nghề Thái Yên, tại làng nghề mộc Tràng Đình, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc người dân cũng đang phải sống chung với ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Ngày nắng nóng, mùi hóa chất, mùi sơn nồng nặc bốc lên từ nhà ra ngõ, từ những xưởng mộc nằm san sát nhau và từ những đống gỗ ngồn ngộn ven đường. Chủ các xưởng mộc đã xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che để giảm bớt ô nhiễm. Dù vậy, trên thực tế, bụi gỗ và mùi sơn vẫn lan tỏa trong không khí.

Ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: “Toàn xã Khánh Vĩnh Yên hiện có hàng trăm hộ thuộc 2 xóm Tràng Sơn và Đình Sơn tham gia sản xuất nghề mộc, với hơn 500 lao động thường xuyên. Nghề mộc không chỉ tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương”

Quy mô các xưởng mộc ngày càng phát triển đã kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường càng lúc càng trầm trọng. Nhu cầu có một khu vực sản xuất tập trung nhằm thuận tiện cho việc xử lý bụi và rác thải, tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất ở làng nghề Tràng Đình ngày càng bức thiết.

Để giải “bài toán” môi trường, chính quyền địa phương đã mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng cụm công nghiệp Yên Huy trên diện tích 12 ha với tổng mức đầu tư 86 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Việt, Trưởng Phòng TN&MT huyện Can Lộc đánh giá cao việc xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề thích ứng với xu hướng phát triển bền vững

Ông Trần Đình Việt- Trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc cho biết: “ Việc xây dựng Cụm công nghiệp  Yên Huy được xem là giải pháp hữu hiệu vừa duy trì phát triển được làng nghề truyền thống vừa bảo vệ được môi trường.  Để phát huy kết quả đạt được cần tăng cường kiểm tra giám sát công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề, tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu dân cư chuyển vào cụm công nghiệp.

Được biết, sau khi hoàn thiện hạ tầng, đến nay đã có hàng chục cơ sở xây dựng nhà xưởng và tiến hành sản xuất kinh doanh tại cụm. 10 cơ sở đã và đang làm thủ tục để đầu tư xây dựng nhà xưởng. Theo các cơ sở việc ra cụm công nghiệp đã giải quyết được các vấn đề về môi trường trong làng nghề, tạo điều kiện cho việc phát triển trong sản xuất kinh doanh.

Để xử lý vấn đề môi trường tại các làng nghề cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ, có tính bền vững. Đặc biệt, hình thành các cụm công nghiệp hay quy hoạch không gian các làng nghề gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường đang được xem là hướng đi đúng của Hà Tĩnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế phù hợp với xu hướng bền vững

Mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất nước mắm mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường tại làng nghề

Ông Lê Xuân Từ- Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh: “Có thể khẳng định rằng việc hình thành các cụm công nghiệp đã và đang góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và góp phần giúp các làng nghề phát triển. Đặc biệt là 2 cụm công nghiệp Thái Yên và cụm công nghiệp Yên Huy đang khẳng định được vai trò và tính tiên phong trong việc bảo vệ môi trường tạo điều kiện phát triển các làng nghề hiện nay.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được các cấp ngành cần tăng cường kiểm tra giám sát, đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích nhân rộng mô hình.

 

Đức Cảnh