Hà Tĩnh: Ẩn họa từ những điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật
Môi trường - Ngày đăng : 18:08, 31/12/2021
Người dân sống bất an
Thôn Trung Nam, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ là một trong 11 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục xử lý theo Quyết định số 1946 ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng đến nay sau 11 năm chờ đợi, các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý.
Được biết, kho thuốc này được xây dựng và sử dụng từ năm 1970 đến năm 1985. Hiện nay, khu vực nền kho cũ nằm giữa diện tích đất của ông Trần Minh Chung và bà Hồ Thị Bé. Trong quá trình xây dựng nhà, mặc dù ông Chung, bà Bé đã bốc lớp đất nhiễm bẩn đổ bỏ và thay thế vào đó là lớp đất mới. Tuy nhiên kết quả phân tích theo so sánh với quy chẩn Việt Nam mà cơ quan chuyên môn đưa ra thì hàm lượng DDT nơi đây vẫn vượt 22,8-104,3 lần thực sự khiến người dân bất an.
Kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại huyện Thạch Hà |
Ông Trần Minh Chung, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết: “Từ khi làm nhà trên khu vực này đến nay, mỗi khi trời trở mưa là không chỉ gia đình mà những hộ xung quanh vẫn nghe mùi thuốc sâu bốc lên nồng nặc, khó chịu. Hiện tại, gia đình vẫn phải dùng nguồn nước giếng khoan để tắm, giặt.
Tương tự, thôn Trẫm Bàng, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ cũng là một điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật chưa được xử lý. Khu vực kho thuốc nằm lọt thỏm trong vườn của bốn hộ gia đình, hiện chỉ còn lại móng và một số mương, hào cũ đã bị che khuất bởi cỏ dại và hàng loạt cây xoan được trồng xen lên đó từ mấy chục năm trước.
Người dân nơi đây phản ánh, mỗi khi thay đổi thời tiết là mùi hôi, hắc của thuốc trừ sâu bốc lên bao trùm cả khu vực. Do khu vực này hiện chưa có nước máy nên tất cả các hộ dân đang phải dùng giếng khoan hoặc giếng khơi để sinh hoạt.
Tình trạng sống chung cùng nguy cơ ô nhiễm môi trường do kho thuốc tồn lưu bảo vệ thực vật cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Đức Thọ, như các xã: Tân Hương, Lâm Trung Thủy, An Dũng, Thanh Bình Thịnh , Đức Đồng… và thị trấn Đức Thọ. Đây đều là những điểm được bố trí xây dựng kho chứa thuốc bảo vệ thực vật của các hợp tác xã ngày xưa. Ngoài việc rơi vãi, ngấm vào nền đất thì nhiều khu vực còn trở thành nơi chôn thuốc hết hạn sử dụng khi phá bỏ kho, các kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn thì phần lớn các hóa chất DDT, 666 đều vượt quy chẩn việt nam từ 1 đến 13 lần.
Ông Thái Sơn Vinh- Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết: Thời gian qua đã có nhiều đoàn của cơ quan chức năng về đây lấy mẫu đất, mẫu nước để xét nghiệm mức độ độc hại, nhưng đến nay chúng tôi cũng chưa có thêm thông tin. Tại nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri người dân đã liên tục phản ánh, địa phương cũng rất lo lắng trước thực trạng này và mong muốn các cơ quan chức năng sớm có giải pháp kịp thời.
Ẩn họa khó lường
Việc triển khai xử lý các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn, cần thời gian và kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề đang cần câu trả lời mang tính cấp bách hiện nay, cần giải pháp kịp thời, an toàn nhằm bảo môi trường sống trước tác hại của thuốc bảo vệ thực vật.
Kết quả phân tích mẫu đất ở các điểm tồn lưu hóa chất trên địa bàn Hà Tĩnh đều cho thấy, mức độ vượt quy chuẩn cho phép rất nhiều lần. |
Người dân Tổ dân phố 1, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn phản ánh, chỉ trong trong khu vực, khoảng 5-7 năm nay có rất nhiều người bị bệnh ung thư các loại một cách bất thường. Nguyên nhân không loại trừ tác động từ ô nhiễm môi trường do kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn gây ra.
Được biết, kho thuốc bảo vệ thực vật cũ ở thị trấn Phố Châu nằm lọt thỏm trong khu dân cư, ở vị trí thấp trũng nên bị ngập úng thường xuyên tạo thành ao nước. Dù đã có nhiều đoàn kiểm tra, đo đạc thế nhưng người dân ở đây vẫn chưa được thông báo về những tác động môi trường của điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật này nên một số hộ gia đình đã nối đường ống để khai thác nguồn nước này cho vào ao nuôi cá.
Theo tìm hiểu, kho thuốc được xây dựng từ năm 1990, thuộc sở hữu của ngành nông nghiệp, phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương với lượng thuốc lưu giữ trước đây chủ yếu là DDT, 666. Kết quả phân tích của cơ quan chuyên môn: DDT nơi đây cao hơn giới hạn cho phép của quy chẩn Việt nam 15 từ 5,4- 187 lần.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về kế hoạch xử lý triệt để cũng như phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước. Theo đó, kết quả phân tích mẫu đất ở các điểm tồn lưu hóa chất trên địa bàn Hà Tĩnh đều cho thấy, mức độ vượt quy chuẩn cho phép rất nhiều lần.
Ông Nguyễn Trí Hà- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho biết mức độ nguy hại của thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng sức khỏe người dân đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng |
Được biết, Hà Tĩnh có 11 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục xử lý theo quyết định 1946 của Thủ tướng Chính phủ (gồm 08 điểm xử lý giai đoạn 2012-2015 và 3 điểm xử lý giai đoạn 2016-2018) nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được 8/11 điểm tồn lưu. Ngoài ra, có thêm 18 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm mới phát sinh, những điểm mới rà soát này không thuộc Quyết định 1946 nên việc xử gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Hữu Tình- Trưởng phòng Môi trường thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: “Nguyên nhân của việc chậm trễ này là do vướng mắc trong việc lựa chọn phương án và công nghệ xử lý phù hợp đối với từng điểm ô nhiễm. Mặt khác, kinh phí xử lý các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường là rất lớn, mong muốn được đẩy nhanh kế hoạch đã gặp không ít khó khăn”.
Ông Nguyễn Trí Hà- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh: Phần lớn các loại hóa chất bảo vệ thực vật đều có mức độ độc hại lớn nếu không được bảo quản, sử dụng đúng cách. Khi thải ra môi trường, tồn tại lâu dài trong môi trường nước, không phân hủy sinh học và khả năng khếch đại sinh học cao, do đó sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng