Bước chuyển mình đáng kinh ngạc của công nghiệp Vĩnh Phúc sau 25 năm tái lập tỉnh
Xã hội - Ngày đăng : 10:29, 29/12/2021
Đột phá từ chính sách
Thời điểm tái lập tỉnh vào năm 1997, Vĩnh Phúc là tỉnh thuần nông với hơn 90% lao động làm nông nghiệp. Ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp ít và hầu hết có công nghệ rất lạc hậu, cơ sở hạ tầng thấp kém. Đứng trước những thực tế này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực; ban hành và điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp với từng giai đoạn.
Công nghiệp Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ nhờ những những đột phá chính sách |
Cùng với đó, Vĩnh Phúc chủ động về quỹ đất, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng điện nước, thông tin liên lạc, ưu đãi thuế, tiếp cận vốn, đào tạo và tuyển lao động. Cũng với đó tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thông thoáng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vĩnh Phúc đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi riêng đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp như: áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất phần mềm, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải, sản xuất vật liệu composit, vật liệu quý hiếm; áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong thời gian 10 năm đối với những dự án sản xuất thép cao cấp, sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; tùy theo ngành nghề, dự án, các doanh nghiệp có thể được áp dụng chế độ miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 đến 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp từ 4 đến 9 năm tiếp theo.
Từ những chính sách mang tính đột phá, sau 25 năm tái lập, ngành công nghiệp luôn giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP). Cụ thể, giai đoạn 1997-2021, GRDP của tỉnh tăng bình quân 13,44%/năm, trong đó, riêng ngành công nghiệp tăng 21,4%/năm, cao gấp đôi so với tăng trưởng của ngành dịch vụ và cao gấp 4 lần ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đến năm 2021, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 63,75% tổng giá trị tăng thêm của 3 khu vực và cao gấp 3,4 lần so với năm 1997.
Tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn vào đầu tư như tập đoàn Toyota |
Công nghiệp phát triển đã giúp Vĩnh Phúc từ chỗ chỉ có 8 dự án FDI, 1 dự án DDI, 1 khu công nghiệp được thành lập năm 1998 thì đến nay đã tăng lên 429 dự án FDI, 824 dự án DDI và 14 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích 2,773 triệu ha. Trong đó 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động gồm: Khai Quang (216.24ha), Bình Xuyên (286.98ha), Kim Hoa (50ha), Bá Thiện (325.75ha), Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42.21ha), Bá Thiện II (308.83ha), Tam Dương II - khu A (135.17ha), Thăng Long - Vĩnh Phúc (213ha). Riêng năm 2011, Vĩnh Phúc đã trình và được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư 6 khu công nghiệp mới, gồm: khu công nghiệp Sông Lô II, Tam Dương I – khu vực 2, Sông Lô I, Nam Bình Xuyên, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II - giai đoạn 1).
Bước chuyển mình đáng kinh ngạc
Sau 25 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã tạo được nhiều dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn bình quân chung cả nước; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư đi vào hoạt động; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc.
Riêng về phát triển công nghiệp, Vĩnh Phúc đang tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Bởi vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói riêng diễn ra sôi động. Hầu hết các doanh nghiệp đang tăng tốc để về đích cuối năm. Nhiều doanh nghiệp đã nhận được các đơn hàng dài hạn cho năm 2022.
Vĩnh Phúc luôn khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư |
Vĩnh Phúc luôn khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 13.000 doanh nghiệp, tăng 141 lần so với năm 1997, với nhiều nhà đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động như: Tập đoàn Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, Deawoo bus, tập đoàn Prime… Những đơn vị này góp phần đưa giá trị tăng thêm ngành công nghiệp Vĩnh Phúc đứng thứ 15 và chiếm tới 2% giá trị công nghiệp của cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Công nghiệp Vĩnh Phúc sẽ tăng trưởng mạnh khi sức hấp dẫn của môi trường đầu tư càng được khẳng định rõ hơn trong bối cảnh dịch bệnh, với dòng vốn FDI đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong năm 2021. Riêng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cũng đạt con số kỷ lục. Cụ thể, năm 2021, các khu công nghiệp thu hút được 45 dự án đầu tư mới, gồm 17 dự án DDI, tổng vốn đầu tư trên 7.695,2 tỷ đồng, chiếm gần 46% tổng vốn thu hút đầu tư toàn tỉnh và bằng 1/3 vốn đầu tư trong nước; 53 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 952,44 triệu USD, chiếm 93,8% vốn đầu tư toàn tỉnh và bằng gần 1/5 tổng vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp từ năm 1997 đến nay.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Để cụ thể hóa mục tiêu này, dự kiến giai đoạn 2021-2030, Vĩnh Phúc sẽ đầu tư xây dựng từ 23 đến 25 khu công nghiệp với tổng quỹ đất khoảng 7.000 ha. Các dự án đầu tư, khu công nghiệp mới được bố trí phát triển chủ yếu tập trung gần các đô thị lớn, có vị trí tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, có các điều kiện về hạ tầng tốt nhưng vẫn bảo đảm khai thác, phát triển các khu công nghiệp tại các khu vực gò đồi, đất xấu, hạn chế quy hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp theo định hướng đề ra.