Vi phạm đất đai tại xã Đặng Cương (TP Hải Phòng): Trồng trà hay "trồng nhà"?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:03, 30/12/2021
Bút phê không dấu để chuyển đổi mục đích sử dụng đất?
Trước đó, ngày 20/12/2021, Báo TN&MT đăng tải bài viết “Hải Phòng: Hàng loạt vi phạm đất đai tại xã Đặng Cương”. Nội dung bài báo đề cập đến nhiều vi phạm đất đai trên địa bàn xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng trong suốt thời gian dài gây bức xúc dư luận. Nhiều ao nuôi trồng thủy sản, ruộng lúa bị san lấp bằng chất thải xây dựng, bừa bộn ngổn ngang. Nhiều công trình ngang nhiên mọc lên trên đất nông nghiệp. Nhưng thay vì phải xử lý dứt điểm thì các vi phạm nêu trên được để cho tồn tại.
Ông Nguyễn Thế Thuận - Chủ tịch UBND xã Đặng Cương xác nhận, trên địa bàn xã có 5 trường hợp san lấp trái phép ở hai thôn Dân Hạnh và Tự Lập đã bị UBND xã và cơ quan chức năng huyện lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính, bao gồm các hộ: ông Đỗ Văn Phượng (410m2); ông Đỗ Văn Trọng (2.000m2); bà Lưu Thị Hùy (1.540m2) ở thôn Tự Lập. ông Đỗ Văn Chiến (1.000m2), bà Nguyễn Thị Mung (1.961m2) ở thôn Dân Hạnh.
San lấp bằng vôi thầu gạch vụn để “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” tại thôn Tự Lập là phi khoa học. |
Để lý giải, ông Nguyễn Thế Thuận - Chủ tịch xã cho rằng đặc thù Đặng Cương là xã có hai làng hoa – cây cảnh được thành phố công nhận nên nhiều hộ dân có nhu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa, ao nuôi trồng thủy sản sang trồng hoa, cây cảnh. Khi người dân có đơn xin chuyển đổi, căn cứ vào chủ trương của huyện nên UBND xã đồng ý.
Cũng trong buổi làm việc, ông Phạm Văn Tiến - Công chức địa chính xã Đặng Cương đã cung cấp cho phóng viên một số đơn xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các hộ: Ông Đỗ Văn Trọng, ông Đỗ Văn Phượng, bà Lưu Thị Hùy, bà Nguyễn Thị Mung, ông Vũ Văn Chúc. Trong số đơn xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng này, các đơn chỉ có bút phê của ông Thuận, Chủ tịch UBND xã mà không đóng dấu xác nhận vào đơn.
Việc làm này liệu có đúng với Hướng dẫn số 84 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa hay không? Theo Hướng dẫn số 84: Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của UBND cấp xã, UBND cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất.
Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương, vị lãnh đạo huyện này cho biết: “Đã nắm được nội dung thông tin Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh, huyện đang yêu cầu UBND xã Đặng Cương làm báo cáo và sẽ thông tin đến phóng viên vào buổi làm việc sau”.
Cũng tại buổi làm việc, phóng viên đã cung cấp cho Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương xem một số tài liệu, hình ảnh liên quan đến các vi phạm đất đai trên địa bàn xã Đặng Cương, cho thấy có dấu hiệu của việc bao che, dung túng cho các sai phạm tại cơ sở.
Việc sử dụng vôi thầu gạch vụn san lấp ao, ruộng để “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” là việc làm phi khoa học. Bởi ngay trong Kế hoạch Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa theo quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững trên địa bàn huyện An Dương, giai đoạn 2021-2025 (Ban hành kèm theo Quyết định số 4385/QĐ-UBND của UBND huyện An Dương) đã nêu rõ:
“Nguyên tắc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa”.
Dấu hiệu bất thường?
Trong các điểm san lấp trái phép, đặc biệt, có mô hình trồng trà Hoa Vàng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đặng Cương do ông Nguyễn Hùng Anh làm Giám đốc. Khu đất này được san lấp từ năm 2019 nhưng chẳng có một cây trà nào được trồng, chỉ có một số cây ăn trái còi cọc. Trên khu đất này có 02 ngôi nhà được làm giống nhà ở, 03 cổng vào riêng biệt và hệ thống tường rào bề thế như vào khu biệt thự?!
Ao nuôi trồng thủy sản được san lấp để làm mô hình Trà Hoa vàng tại thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương. |
Để làm rõ về dự án trà Hoa vàng, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại thôn Dân Hạnh để hỏi ý kiến người dân. Một người hàng xóm cạnh khu đất trên cho biết, mảnh đất này trước đây là ao của xã, nhà bà thầu để làm ao thả cá. Đến khoảng cuối năm 2019, xã bảo lấy về lập thành vườn để làm nhà chứa xe vi phạm khi cơ quan chức năng tạm giữ. Nhưng sau đấy thì không thấy làm nhà chứa xe gì hết mà chỉ thấy xây 2 cái nhà mọc lên và trồng cây ăn quả.
Phóng viên Báo TN&MT làm việc với ông Lê Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương (TP. Hải Phòng). |
Được biết, người dân thắc mắc với Bí thư và Trưởng thôn: “Sao bảo lấy ao ra để làm nhà chứa xe mà giờ lại trồng bưởi, trồng na, thì nhận được câu trả lời là không biết, chúng tôi cũng chỉ thấy xã bảo vậy”.
“Khu đất này chắc chưa được làm bìa đỏ vì nếu làm bìa đỏ thì phải xin chữ ký của các hộ giáp ranh chứ, nếu biết xã nói không thật như thế này không bao giờ tôi bắt cá lên và trả lại ao” – Người hàng xóm chia sẻ.
Có một điều lạ là, ngay sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh, lập tức xã đã giới thiệu về dự án trồng Trà Hoa Vàng trên loa phát thanh, sau đó, một số người vội vàng đem bạt, lưới phủ lên trên mặt cỏ…
Theo thông tin của một số bạn đọc thì khả nghi khu đất nông nghiệp này đã biến tướng thành đất ở? Người dân cho biết, hình như mảnh đất đã được chia đôi cho 2 hộ ?. Trên mảnh đất này, hiện có 2 ngôi nhà nhỏ, quay hai hướng khác nhau. Hai nhà không có người ở, toàn bộ khu đất được xây tường rào, có 3 cổng mỗi cổng một hướng. Mảnh đất này rất có thể phù hợp với việc cấp giấy CNQSDĐ ở cho 2 hộ dân như đã phản ánh?
Một số tài liệu vi phạm đất đai ở Đặng Cương phóng viên thu thập được |
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.