Phấn đấu trước năm 2030 xử lý triệt để 100% các khu vực nhiễm dioxin
Môi trường - Ngày đăng : 17:49, 30/12/2021
100% các khu vực bị nhiễm dioxin được xử lý triệt để |
Mục tiêu hoàn thành xử lý các điểm nóng và các khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam; kiểm soát toàn bộ các nguy cơ ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin đối với sức khỏe con người để không gia tăng nạn nhân; rà soát, xác định các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam, hỗ trợ nạn nhân vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng; có đủ năng lực để đánh giá, kiểm soát, xử lý, phân tích, quản lý hiệu quả toàn bộ các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.
Cụ thể, phấn đấu hoàn thành xử lý triệt để 100% các điểm nóng và các khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam; năm 2025 hoàn thành xử lý ô nhiễm tại khu vực sân bay A So (tỉnh Thừa Thiên - Huế), khu vực sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định); trước năm 2030 hoàn thành xử lý tại khu vực sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và các khu vực mới phát hiện.
Đến năm 2025 kiểm soát được trên 85% nguy cơ phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin từ các điểm nóng, khu vực ô nhiễm, đến năm 2030 đạt 100% để không làm gia tăng nạn nhân ở các khu vực này.
Đến năm 2030 hoàn thành việc xác định nạn nhân qua các thế hệ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Các nạn nhân được hưởng mức chế độ, chính sách của Nhà nước để cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi về việc làm phù hợp, vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Đảm bảo 100% phụ nữ có thai tại các vùng ô nhiễm nặng, 100% nạn nhân được quản lý thai nghén, được tư vấn sinh sản nhằm giảm nguy cơ gia tăng nạn nhân ở các thế hệ tiếp theo.
Kiểm soát các nguy cơ phơi nhiễm
Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2030 sẽ tổ chức rà soát, xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ tổ chức xử lý chất độc hóa học/dioxin, kiểm soát các nguy cơ phơi nhiễm, ngăn chặn gia tăng nạn nhân; bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin.
Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin; tăng cường hợp tác quốc tế và xã hội hóa công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin.