Hà Tĩnh: Giữ môi trường giữa đại dịch, thói quen của người dân vùng biển

Môi trường - Ngày đăng : 16:16, 30/12/2021

(TN&MT) - Đến các xã bãi ngang của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) sẽ khiến chúng ta ấn tượng trước những con đường xanh- sạch - đẹp. Đã trở thành thói quen, hàng tuần, người dân ra quân làm sạch vệ sinh môi trường, chỉnh trang khu dân cư tạo nên một diện mạo mới của vùng quê nơi đây.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, hình ảnh người dân ở huyện Lộc Hà ra quân làm vệ sinh môi trường vừa làm đẹp cảnh quan, góp phần phòng dịch càng trở nên đáng quý. Để đảm bảo quy định phòng dịch, bà con chia thành nhiều tốp nhỏ với những nhiệm vụ khác nhau như: chăm sóc đường hoa, vệ sinh lề đường, làm mương thoát nước, nạo vét cống rãnh và đất đá trên mặt đường liên thôn… 

Người dân ra quân làm sạch vệ sinh môi trường

Theo như phản ánh, nhiều gia đình thường có thói quen xây dựng công trình vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi ở trước nhà, gây ảnh hưởng đến mỹ quan và ô nhiễm môi trường sống. Vườn tược cũng chủ yếu là cây tạp và bụi rậm. Thế nhưng, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, sự tuyên truyền vận động của địa phương, 4 năm trở lại đây, người dân ở huyện Lộc Hà đã thay đổi nếp nghĩ, hình thành ý thức tự giác xây dựng và bảo vệ môi trường sống.

Trồng, chăm sóc cây xanh, thu dọn rác thải làm đẹp cảnh quan

Chị Nguyễn Thị Hương - Trưởng thôn Yên Định (Thịnh Lộc) cho biết: Vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần, toàn thôn tham gia dọn vệ sinh môi trường chung. Từ ý thức của người dân qua những việc làm thiết thực, đến nay, thôn Yên Định đã cơ bản không còn vườn tạp, đường sá được cứng hóa, 11/13 tuyến đường đã trồng cây cảnh và có điện chiếu sáng, chuồng trại chăn nuôi, công trình vệ sinh được quy hoạch hợp lý, 80% rác thải đã được phân loại để xử lý riêng.

Cũng tinh thần bảo vệ môi trường, 2 ngày cuối tuần (thứ 7, chủ nhật) vừa qua, hàng trăm lượt người dân xã Thạch Kim đã ra quân lao động, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường. Xuất phát từ ý thức, tinh thần trách nhiệm, những ngày cuối tuần ý nghĩa của người dân Thạch Kim đã góp phần làm sạch môi trường sống, các khu vực bãi biển, chân đê, âu thuyền… .

Người dân tích cực tham gia phong trào giảm thiểu rác thải nhựa

Ông Trần Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Địa phương chúng tôi đất chật, người đông, khối lượng rác thải lớn, mỗi ngày khoảng 6 - 8 tấn rác thải các loại nên công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường khá vất vả. Vì thế, ngoài việc nhắc nhở bà con ý thức dọn dẹp, phân loại, để rác đúng nơi quy định... thì việc duy trì phong trào ra quân làm vệ sinh vào những ngày cuối tuần đã góp phần quan trọng giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp ở các khu dân cư".

Không chỉ ở Thịnh Lộc, Thạch Kim, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nông thôn gắn với chỉnh trang, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu đã được các xã, thị trấn ở Lộc Hà hưởng ứng. Đặc biệt, hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa... đã trở thành phong trào được các tổ chức đoàn thể từ huyện đến thôn, xóm hưởng ứng tích cực.

Đó là Mặt trận tổ quốc với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh” ; hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; hội nông dân với hoạt động chỉnh trang, xóa bỏ vườn tạp, xây mới điểm thu gom, xử lý rác thải và ủ phân vi sinh tại hộ gia đình; Đoàn thanh niên với phong trào "ngày chủ nhật xanh"...

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Văn An chia sẽ những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực TN&MT trên địa bàn

Theo thống kê của Phòng TN&MT huyện Lộc Hà: Để thu gom, xử lý gần 40 tấn rác thải các loại trên địa bàn mỗi ngày, ngoài ý thức từ mỗi gia đình thì phong trào ra quân vệ sinh môi trường của các thôn, xóm, khu dân cư trong các ngày cuối tuần và ngày 18 hằng tháng đóng vai trò hết sức quan trọng. Qua đó, mỗi năm, toàn huyện đã thu gom, phân loại được hơn 14.000 tấn rác thải, cảnh quan xóm làng luôn sạch đẹp, môi trường sống trong lành".

Đến thời điểm này, 13/13 xã ở Lộc Hà đều đạt chuẩn về tiêu chí môi trường; 90% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đảm bảo 3 sạch; 90% hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; có 6.551 hộ/19.863 hộ thực hiện xử lý nước thải sinh hoạt...

 

Đức Cảnh