Hiệu quả từ một mô hình tái chế phế thải xây dựng
Môi trường - Ngày đăng : 14:16, 30/12/2021
Máy nghiền phế thải hiệu quả cao, không gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm tái chế để làm gạch, lót đường... |
Mạnh dạn đầu tư, tiên phong tái chế phế thải
Ngay khi thành phố Hà Nội có chủ trương xã hội hoá, khuyến khích các đơn vị ngoài công lập tham gia xử lý phế thải xây dựng nhằm bảo vệ môi trường đồng thời tận dụng được nguồn phế thải xây dựng tái chế tạo ra nguyên vật liệu xây dựng sạch, thay thế cho nguyên vật liệu khai thác từ tự nhiên, Công ty Cổ phần dịch vụ sản xuất Toàn Cầu ( Công ty Toàn Cầu) là một trong những đơn vị tiên phong hưởng ứng, đề xuất và tham gia với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, mong muốn đưa máy móc có công nghệ tiên tiến, hiện đại vào xử lý tái chế nhằm giúp giảm thiểu ô nhiễm rác thải, chung tay bảo vệ môi trường.
Đơn vị đã vừa tìm tòi, nghiên cứu, khảo sát thị trường và công nghệ, vừa xây dựng, hoàn thiện đề án trình các Sở, nghành và Thành phố. Theo đó, đơn vị đã khảo sát thực trạng phế thải xây dựng và xử lý, tái chế phế thải xây dựng. Từ thực tế cho thấy khối lượng phế thải xây dựng từ các công trình dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố rất lớn nhưng chủ yếu mang đi chôn lấp và bị đổ thải ra các khu đất trống công cộng, hè đường, sông hồ gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, bức xúc cho cư dân và chính quyền; gây lãng phí kinh phí thu dọn, vận chuyển đi chôn lấp và xử lý môi trường; gây lãng phí nguồn tài nguyên rác thải xây dựng có thể tái chế thành vật liệu mới tái sử dụng lại.
Với quyết tâm “biến phế thải thành tài nguyên” Công ty Toàn Cầu đã mạnh dạn đầu tư hàng loạt máy móc thiết bị hiện đại công nghệ Châu Âu có độ ồn và nồng độ bụi phát ra cực thấp, đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam trong khu vực đô thị và bước đầu hoạt động khá hiệu quả.
Hiện Công ty đang sử dụng máy nghiền loại RUBBLE MASTER , cung cấp bởi hãng nổi tiếng của Đức và đạt tiêu chuẩn EURO 6 trong khi đó máy móc tại Việt Nam chỉ đang dừng ở sử dụng đạt tiêu chuẩn EURO 4. Chính vì vậy, loại máy này không những nhỏ gọn mà tính năng rất ưu việt khi độ ồn phát ra cực thấp, có thể đưa vào tận chân công trình trong nội đô để phá dỡ và xay nghiền tại chỗ để sử dụng tái chế làm vật liệu lát nền. Mặt khác, bên trong máy có thiết bị dập bụi và hệ thống phun cấp nước liên tục nên nồng độ bụi rất thấp. Máy còn tự lọc và hút đinh, sắt dính liền khối bê tông nếu có. Đây là đặc tính nổi trội mà các thế hệ máy móc của Việt Nam hay Trung Quốc không thể làm được.
bê tông, gạch vỡ sẽ được tái chế thành vật liệu san lấp |
Mặc dù hoạt động mới chỉ hơn 2 năm, song Công ty Toàn Cầu đã tiếp nhận phá dỡ nhiều công trình lớn trên địa bàn Hà Nội như phá dỡ công trình cũ trên đất trụ sở Công an huyện Thanh Oai, công an Huyện Quốc Oai, trụ sở Công an quận Hà Đông và tiếp nhận chất thải rắn xây dựng từ các công trình do Công ty CP môi trường UDECO vận chuyển về bãi tập kết…
Làm tốt môi trường, tạo việc làm cho người lao động
Để vận hành được hệ thống máy móc thiết bị theo quy trình khép kín, không gây ô nhiễm môi trường và tạo thuận lợi cho hoạt động, trước khi đưa máy móc vào vận hành, đơn vj đã chủ động xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật vận hành quản lý sản xuất và phương án định mức dự toán chi phí sản xuất xử lý nghiền tái chế chất thải rắn xây dựng; Đã xây dựng quy trình thi công phá dỡ công trình, tiếp nhận chất thải rắn, phân loại thu gom, xử lý nghiền sàng, tái chế chất thải rắn xây dựng; Xây dựng định mức dự toán chi phí xử lý nghiền và xác định đơn giá dịch vụ xử lý chất thải rắn xây dựng để báo cáo và trình các Sở, nghành liên quan.
Đơn vị cũng đã thực hiện lập và trình Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Đề án và đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường - Quyết định số 4892/QĐ-UBND, ngày 30/10/2020. Trong khi hoạt động, đơn vị đã thường xuyên thuê các đơn vị chuyên ngành thực hiện quan trắc đánh giá tác động môi trường, thuê xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải huy hại (nếu có), xử lý phân bùn, nước thải theo quy định.
Trong các cuộc cuộc kiểm tra về hoạt động của đơn vị về yếu tố bảo vệ môi trường đều được đánh giá thực hiện tốt, cơ bản đã thực hiện theo các quy định về môi trưởng của đề án. Ngoài ra, đơn vị đã thực hiện trồng phủ cây xanh quanh khu đất tạo cảnh quan môi trường đảm bảo theo hướng dẫn của chính quyền, chưa để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, gây ô nhiễm, mất an toàn, an ninh tại địa bàn hoạt động.
Ngay sau khi được tạm bàn giao khu đất vào cuối tháng 5/2019, đầu tháng 6/2020 Đơn vị đã đưa máy móc thiết bị, phương tiện tiếp nhập, thu gom, xử lý nghiền tái chế để vừa nâng cấp san ủi hoàn thiện mặt bằng sản xuất vừa thực hiện ngay việc tiếp nhận, thu gom, xử lý tái chế kịp thời phụ vụ nhu cầu của khách hàng và yêu cầu nhiệm vụ của Thành phố.
Đơn vị đã thực hiện nhiều các hợp đồng về tiếp nhận, thu gom, xử lý tái chế cho hàng trăm công trình, dự án lớn nhỏ trên địa bàn Thủ đô, hàng ngày thu gom xử lý 700 ÷ 1.000 m³ chất thải rắn xây dựng tại Khu đất được giao, phối kết hợp với các đơn vị thi công thu gom, phân loại xử lý ngay từ đầu, giúp tiết kiệm và tránh lãng phí nguồn nguyên vật liệu - tài nguyên tự nhiên, giúp giảm thiểu được tình trạng đổ thải - đổ trộm ra môi trường không đúng quy định.
Đề án xử lý tái chế nghiền chất thải rắn xây dựng của đơn vị đã tạo ra nguồn nguyên liệu mới, sạch, có chất lượng tương đương với tài nguyên tự nhiên, đảm bảo dùng cho các công trình thi công san lấp, san nền, làm sân đường, sản xuất các sản phẩm gạch.
Hoạt động thu gom xử lý này giúp bảo vệ triệt để việc ô nhiễm môi trường do phế thải xây dựng, góp phần tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường sạch đẹp cho Thủ đô; Dự án cũng tạo ra hàng trăm công ăn việc làm cho người lao động. Hoạt động tiên phong về thu gom xử lý và tuyên truyền nêu cao ý thức của chủ nguồn thải, người dân đặc biệt là những người làm trong nghành xây dựng về ý thức và giá trị bảo vệ môi trường của tập thể Ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công nhân viên trong đơn vị là động lực động viên đơn vị vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Cần có cơ chế hỗ trợ để phát triển mô hình thí điểm
Qua hơn hai năm đi vào hoạt động, mặc dù đã nhận được sự động viên, khuyến khích của UBND Thành phố và ban ngành liên quan, đồng thời hoạt động tái chế đã mang lại hiệu quả rõ nét, tuy nhiên để phát triển và nhân rộng mô hình thí điểm còn không ít gian nan. Ông Đỗ Văn Toan, Giám đốc Công ty Toàn Cầu trăn trở: Để động viên khuyến khích cũng như ổn định đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác quản lý, thực hiện việc tiếp nhận, xử lý tái chế phế thải xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường, tôi cho rằng, Sở Xây dựng cùng các Sở ngành, UBND thành phố cần Hà Nội xem xét, phê duyệt Đề án thí điểm trở thành Đề án chính thức được triển khai. Đơn vị thực hiện đề án được ký hợp đồng thuê đất hàng năm. Khi Thành phố có nhu cầu sử dụng khu đất thì Đơn vị phải hoàn trả lại Thành phố.
Máy nghiền có thể tự động tách các vật liệu khác như đinh, sắt thép.. |
Mặt khác, cần có cơ chế ưu đãi, ưu tiên cụ thể về giao đất, cho thuê đất đối với từng đề án/dự án, bởi lẽ đâu là “khâu yếu” nhất trong hoạt động tái chế, khi khối lượng thu gom nhiều nhưng không có mặt bằng sản xuất. Có thể tạm giao, cho thuê đất hàng năm tại các khu đất công chưa cần sử dụng ngay cho các Đề án tại các vị trí tạm thời (chưa đưa vào quy hoạch) do cấp quận/huyện đề xuất. Hoặc đựợc giao đất, thuê đất có thời gian dài (Đã được quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch) để tạo tính ổn định, lâu dài tạo điều kiện cho Đơn vị đầu tư quy mô, đồng bộ, chuyên nghiệp và có hiệu quả cao hơn.
Để phát triển các mô hình tái chế phế thải xây dựng, cũng cần được phê duyệt đơn giá tiếp nhận, xử lý tái chế chất thải rắn xây dựng làm cơ sở để các Cơ quan ban ngành áp đơn giá dự toán công trình dự án sử dụng vốn đầu công trình đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.
Cần ban hành cơ chế chính sách cụ thể, rõ trách nhiệm về quản lý, kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với các chủ nguồn phế thải của công trình, dự án trước khi thi công, trong thi công và sau thi công hoàn thành công trình. Đồng thời tăng cường giáo dục bảo vệ môi trường thông qua việc tuyên truyền, chấp hành các quy định của pháp về quản lý, xử lý tái chế phế thải xây dựng nâng của chủ nguồn thải công trình.
Giải quyết vấn nạn đổ phế thải xây dựng bừa bãi, ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên là một câu chuyện dài, tuy nhiên, đối với các mô hình thí điểm đã đạt hiệu quả rõ nét, rất cần sự chung tay của các ban, ngành thành phố để họ có thể phát huy hơn nữa năng lực thực hiện, thú đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tận dụng tài nguyên, phát triển bền vững.