Đề xuất hoàn thiện chính sách tập trung, tích tụ đất nông nghiệp

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 12:14, 30/12/2021

(TN&MT) - Sáng 30/12, tại TP. Hội An (Quảng Nam), Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án hỗ trợ xây dựng các chính sách về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mê Kông (Mekong Region Land Governance Project - MRLG) nhằm đưa ra các giải pháp cho những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, các quy định pháp luật về quản trị đất đai.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trung ương Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực đất đai và các địa phương Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hà Nam…Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì Hội thảo.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai nhấn mạnh: Chủ trương khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo.

Thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo, thời gian qua, chính sách, pháp luật đất đai đã không ngừng được hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn. Từ chính sách giao đất nông nghiệp ổn định, lâu dài cho nông dân; quy định đầy đủ các quyền của người sử dụng đất nông nghiệp (như quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất), cho phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lên 50 năm; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng;....

Từ đó, đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất đai. Hiện nay, đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo, hiện nay, đất nông nghiệp ở Việt Nam rất manh mún, phần lớn thửa đất đều có kích sỡ siêu nhỏ (dưới 0,2ha/thửa) nên làm tăng chi phí sản xuất, sử dụng nhiều lao động, lãng phí đất dùng làm bờ thửa; tiếp cận giao thông, thủy lợi, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ mới khó khăn...

Quang cảnh Hội thảo

Đến tháng 7/2021, cả nước có 2.788 xã đã tiến hành dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích 790.000ha, tăng 96.300ha so với năm 2016; xây dựng được 1.660 cánh đồng mẫu lớn tại 1.051 xã với sự tham gia của 327.326 hộ dân...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm. Đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động còn yếu, trong đó, thị trường cho thuê đất phát triển kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp. Có trường hợp đã tích tụ, tập trung được đất đai nhưng vẫn chưa tổ chức sản xuất và khai thác sử dụng có hiệu quả, tình trạng không đưa đất vào sử dụng khá phổ biến.

Với sự hỗ trợ của dự án MRLG, Tổng cục Quản lý đất đai đã phối hợp rà soát, phân tích khung pháp lý có liên quan đến tập trung, tích tụ đất đai; nghiên cứu, tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế và khảo sát một số mô hình tập trung, tích tụ đất đai tại các địa phương... Đồng thời, đơn vị đang tiếp tục lấy các ý kiến góp ý, đề xuất đề hoàn thiện một số chính sách, pháp luật về đất đai liên quan đến tập trung, tích tụ đất nông nghiệp.

Lan Anh - Võ Hà