Ngọc xanh giữa núi rừng Tây Bắc

Môi trường - Ngày đăng : 10:48, 30/12/2021

(TN&MT) - Vườn Quốc gia Hoàng Liên sở hữu nhiều danh thắng đẹp và một hệ sinh thái phong phú mang tầm quốc tế, nơi đây xứng đáng là “viên ngọc xanh” của núi rừng Tây Bắc cần được bảo tồn, giữ gìn và phát triển.

Bảo tồn đa dạng sinh học

Vườn Quốc gia Hoàng Liên được thành lập năm 2002, nằm ở độ cao từ 1.000 - 3.000m so với mặt biển trên dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc địa bàn các huyện Than Uyên, Phong Thổ tỉnh Lai Châu và Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Trước khi được công nhận là Vườn Quốc gia, nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên mang tên Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Sa Pa.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng các loài thực vật trong Chương trình bảo tồn các loài thực vật của Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Vườn cũng được Quỹ Môi trường toàn cầu xếp loại A - hạng cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2006, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên - viên ngọc xanh của núi rừng Tây Bắc

Về hệ thực vật rừng, nơi đây có khoảng hơn 2.000 loài với các loại cây gỗ điển hình như: tống quán sủ, bồ đề, đỗ quyên, pơ mu, mận rừng..., trong đó có khoảng 66 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam như: bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng, dẻ tùng..., 32 loài quý hiếm như: Loài bách xanh phân bố tại vùng núi đá vôi xã Bản Hồ (Sa Pa), loài thông đỏ được tìm thấy tại xã Sa Pả (Sa Pa), loài Vân Sam Hoàng Liên - Sam lạnh phân bố trong vùng lõi Vườn Quốc gia (3 loài cây này là những nguyên liệu chính dùng để chiết xuất ra nhiều loại thuốc chữa bệnh quý hiếm) và hàng trăm loài thảo dược như: quy, thục, đỗ trọng, hoàng liên chân chim, đỗ quyên, kim giao... Ngoài ra, tại đây người ta còn tìm thấy loài nấm cổ linh chi, nứa Sa Pa - phân bố chủ yếu ở vùng rừng núi cao của Trung Quốc và Việt Nam.

Bên cạnh hệ thực vật rừng phong phú, hệ động vật rừng nơi đây cũng rất đa dạng với 66 loài thú, phổ biến là: vượn đen tuyền, hồng hoàng, cheo cheo, voọc bạc má..., trong đó, có 16 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 347 loài chim như đại bàng đốm to, trĩ mào đỏ, chim hét mỏ vàng...; 41 loài lưỡng cư và 61 loài bò sát, trong đó, có loài ếch gai rất hiếm ở Việt Nam vừa mới được phát hiện.

Để bảo tồn giá trị sinh thái, Vườn Quốc gia Hoàng Liên luôn phối hợp với các đơn vị trong nước và quốc tế nghiên cứu và xây dựng nhiều phương án phục vụ bảo tồn, phát huy những giá trị đa dạng sinh học vốn có của Vườn. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học dưới nhiều hình thức. Giúp người dân sống gần rừng nâng cao nhận thức, hạn chế tác động tiêu cực đến rừng, đến đa dạng sinh học của rừng. Từ đó bảo vệ giá trị môi trường rừng trong khu vực.

Phát triển du lịch xanh thân thiện với môi trường

Với cánh rừng nguyên sinh và cảnh quan tuyệt đẹp, thêm vào đó là hệ thực vật vô cùng phong phú; đặc biệt, nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc sống trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia như các hoạt động ca múa nhạc của người Mông, Dao, Giáy với những nhạc cụ khèn, sáo, kèn, đàn môi; các kiến trúc nhà ở của người dân tộc như: Người Mông ở trên cao, nền nhà thường thấp hơn và kín gió, nguyên liệu làm nhà chủ yếu bằng gỗ; nhà của người Tày ở vùng thấp nên thường là kiến trúc nhà sàn, mái lợp bằng cỏ tranh hay rơm rạ... Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã cuốn hút rất nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Quần thể thiết vân sam và đỗ quyên - 2 loài thực vật quý hiếm có tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Đến với Vườn Quốc gia Hoàng Liên là du khách đến với môi trường du lịch sinh thái hấp dẫn. Tại đây, du khách sẽ cảm nhận được khoảnh khắc giao mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông chỉ trong vòng một ngày; được thấy những tia nắng xuyên qua từng tán lá rậm rạp, xuyên qua những làn sương mù chiếu xuống những thảm cỏ tranh tươi tốt; được ngắm nhìn những khóm trúc lùn đung đưa mỗi khi có những cơn gió tràn qua... tất cả đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là cảm giác được ngủ lại qua đêm trên lưng chừng núi để hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, nghe tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ ào ào... Và giữa không gian bao la, rộng lớn này hẳn du khách thấy mình thật nhỏ bé.

Bên cạnh đó, du khách cũng có thể tham gia chương trình du lịch bản làng, đến và nghỉ tại nhà của đồng bào dân tộc. Du khách sẽ cùng chủ nhà làm những công việc trong gia đình, buổi tối tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để giao lưu văn hóa - văn nghệ. Du khách cũng có thể cùng người dân chơi các môn thể thao truyền thống như: đẩy gậy, bắn cung, kéo co, đi cà kheo… hay đi tham quan bản làng, cối giã gạo, các khu ruộng bậc thang, các nương chàm... của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, nơi đây còn diễn ra Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Phanxipang” với quy mô cấp quốc gia cho các vận động viên trong và ngoài nước. Việc tổ chức Giải nhằm mục đích giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về dãy núi Hoàng Liên Sơn có đỉnh Phanxipang - nóc nhà Đông Dương, giới thiệu về Khu du lịch Sa Pa và Vườn Quốc gia Hoàng Liên - Vườn di sản ASEAN.

Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, khai thác du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ đảm bảo sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên, góp phần thực hiện cam kết của tỉnh Lào Cai với Chính phủ và quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu.

Bích Hợp