Phát huy tiềm năng thế mạnh khoáng sản vùng Tây Bắc: Khoáng sản - trụ cột kinh tế của các tỉnh Tây Bắc

Khoáng sản - Ngày đăng : 09:47, 30/12/2021

(TN&MT) - Hiện nay, một số tỉnh khu vực Tây Bắc có thế mạnh và tiềm năng, đảm bảo thu ngân sách địa phương, nộp ngân sách Nhà nước từ nguồn thu thuế tài nguyên, phí cấp quyền, phí bảo vệ môi trường và tiền đấu giá đất.

Đây là một trong những nguồn lực bền vững, ổn định của hầu hết các tỉnh Tây Bắc nói riêng trong việc đảm bảo thu ngân sách từ việc khai thác, kinh doanh khoáng sản trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khoáng sản không phải là nguồn tài nguyên vô hạn, chính vì vậy, việc khai thác và cấp phép khai thác, sử dụng cần đảm bảo độ hợp lý, tính hiệu quả, tiết kiệm trong khai thác và sử dụng tài nguyên.

Khoáng sản… nguồn thu ổn định hàng năm

Hoạt động chế biến, khai thác khoáng sản vùng Tây Bắc trong thời gian qua tương đối sôi động, cơ bản tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng và Sơn La. Hoạt động khai khoáng đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, điển hình như: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng và một số tỉnh khác trong khu vực.

Hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh: Hoàng Minh

Cụ thể, tính đến đầu tháng 10/2021, Cục Thuế tỉnh Lào Cai tổng thu khoảng 4.787 tỷ đồng, (đạt 86% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 63% dự toán UBND tỉnh này giao, bằng 56% chỉ tiêu, phấn đấu tăng 30%, so với cùng kỳ).

Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lào Cai, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đóng vai trò trọng điểm, chiếm tỷ trọng 20 - 30% nộp ngân sách Nhà nước/năm.

Trong bối cảnh nguồn thu từ thương mại, dịch vụ tiếp tục giảm sâu do tác động của dịch bệnh, một số lĩnh vực kinh doanh, khai thác khoáng sản, thủy điện đã mang lại nguồn thu khá ổn định và tương đối lớn cho địa phương, đóng góp vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kế hoạch thu ngân sách Nhà nước tại địa phương, đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động lớn đến môi trường kinh doanh, hầu hết trên mọi lĩnh vực.

Trong khu vực Tây Bắc, Lào Cai là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, có trên 35 loại khoáng sản khác nhau, với 150 điểm mỏ có giá trị, trong đó có nhiều loại chất lượng cao, trữ lượng lớn, điển hình: Apatit (2,1 - 2,5 tỷ tấn), sắt (137 triệu tấn), đồng, vàng gốc, graphit, đất hiếm, fenpat, nguyên liệu gốm, sứ thủy tinh… có thể khai thác ở quy mô công nghiệp. Trong đó, riêng 3 loại quặng: apatit, đồng, sắt đang được khai thác trên quy mô lớn, hàng năm đạt hàng chục triệu tấn quặng phục vụ sản xuất phân bón, nguyên liệu xây dựng và sản xuất hàng hóa dân dụng khác.

Không riêng gì Lào Cai, một số tỉnh như Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu cũng có nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản chiếm tỷ trọng thu ngân sách Nhà nước khá cao.

Riêng tỉnh Yên Bái, tính đến tháng 10/2021, tỉnh thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 130,1 tỷ đồng, bằng 216,9% dự toán Bộ Tài chính, 153,1% dự toán tỉnh, 108,4% so với nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 234-KL/TU và 240,4% so với cùng kỳ… Thu thuế bảo vệ môi trường đạt 80%.

Ông Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái nhận định: Trong tổng thu nội địa 9 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có 3 nguồn thu hoàn thành dự toán. Đó là thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 101%; thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 119%; thu lợi nhuận cổ tức chia lại đạt 128%.

Có thể nói, đây là những kết quả đáng kể trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh từ lĩnh vực khai khoáng của một số địa phương, là những nguồn thu ổn định, ít bị chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Khai thác phải đi đôi với tiết kiệm, sử dụng hiệu quả

Tài nguyên khoáng sản được các chuyên gia và các nhà quản lý nhận định không phải là tài sản vô hạn. Chính vì vậy, để khoáng sản khu vực Tây Bắc được khai thác và sử dụng có hiệu quả, cần rà soát hoạt động khai thác, chế biến xuất khẩu khoáng sản một cách chặt chẽ. Đồng thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Không cấp phép đầu tư manh mún, không thỏa thận các dự án chế biến khoáng sản khi chưa xác định được nguồn nguyên liệu ổn định dài lâu cho sản xuất.

Điểm khai thác mỏ tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai

Cùng với đó, các tỉnh Tây Bắc có trữ lượng khoáng sản cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khoanh định khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, khu vực dự trữ tài nguyên quốc gia, nhằm định hướng phát triển bền vững cho các vùng khoáng sản. Về lâu dài, ngành công nghiệp chế biến khoáng sản cần có sự liên kết giữa các tỉnh để xây dựng các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung, quy mô lớn có công nghệ cao nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, công suất đầu tư.

Từ khi Luật Khoáng sản được sửa đổi, bổ sung (năm 2010) ban hành đã góp phần hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp luật về khoáng sản. Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản được tăng cường, đạt nhiều kết quả, nhờ đó, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở các tỉnh Tây Bắc nhiều năm qua đã giảm; nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến làm tăng giá trị khoáng sản sau khai thác và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. 

Nói đến hoạt động của vùng khoáng sản Tây Bắc, không thể không ghi nhận đã có nhiều mỏ khoáng sản đang được khai thác hiệu quả. Tại Lào Cai là quặng apatit ở mỏ Sin Quyển, quặng sắt mỏ Quý Xa. Hà Giang có mỏ quặng mangan ở Đồng Tâm, Vị Xuyên được đầu tư cơ sở chế biến sâu, công suất 30.000 tấn/năm. Lai Châu có mỏ đất hiếm ở Đông Pao, Nậm Xe đã được các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ cấp phép khai thác gắn với dự án chế biến sản phẩm đất hiếm thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, nhiều năm trở lại đây, công tác cấp phép, quản lý, khai thác khoáng sản ở các tỉnh Tây Bắc nói riêng được quản lý rất chặt chẽ, bài bản, hiệu quả và đây cũng là một trong những giải pháp nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước. Từ đó, tăng thu ngân sách địa phương, đóng góp vào ngân sách Nhà nước từ hoạt động khai thác, kinh doanh lĩnh vực khai khoáng với tỷ trọng tương đối lớn.

Nêu cao vai trò quản lý của địa phương

Khoáng sản vùng Tây Bắc đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn thu ngân sách địa phương. Chính vì vậy, nêu cao vai trò quản lý của địa phương là một trong những giải pháp gắn liền với quyền lợi thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo cho khai thác, sử dụng bền vững. Dưới đây là ý kiến của một số địa phương về lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La:

Đề cao vai trò các địa phương trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác

Sơn La là địa phương có tài nguyên khoáng sản khá phong phú với trên 150 mỏ khoáng sản đã được quy hoạch, trong đó, 120 mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường. Đến nay, toàn tỉnh Sơn La còn 2 giấy phép thăm dò, 40 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị khai thác khoáng sản đã đóng góp hơn 279 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, gồm thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ký quỹ phục hồi môi trường... Hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo việc làm ổn định cho gần 600 lao động..

Ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La

Điểm đột phá trong quản lý Nhà nước về khoáng sản năm 2021 là ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức ký cam kết với 12 huyện, thành phố về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ký cam kết về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường giữa Chủ tịch UBND tỉnh với các tổ chức khai thác khoáng sản; ban hành quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về khoáng sản; phối hợp trong quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh. Qua đó, đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quản lý khoáng sản, cũng như nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản.

Trong công tác thanh, kiểm tra, đã triển khai 25 cuộc thanh, kiểm tra với 129 đơn vị; ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường, đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, tổng tiền phạt trên 1,5 tỷ đồng; số lợi bất hợp pháp thu được trên 200 triệu đồng. Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng vi phạm khai thác vàng trái phép tại xã Mường Bám, huyện Thuận Châu; khai thác cát tại huyện Sông Mã, Mường La; khai thác quặng Talc tại huyện Bắc Yên...

Nhìn chung, năm 2021, tình trạng khai thác khoáng sản (vàng, cát sạn) trái phép và vi phạm của một số chủ giấy phép khai thác tuy giảm mạnh nhưng vẫn còn xảy ra. Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại một số xã còn chưa hiệu quả; thiếu chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, xử lý vi phạm.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản thời gian tới, Sở TN&MT đang tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, các huyện thành phố rà soát các quy hoạch khoáng sản để có phương án khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Ông Lê Công Tiến - Phó Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái:

Đưa hoạt động khai khoáng đi vào nền nếp

Để hạn chế và đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, thời gian qua, Sở TN&MT Yên Bái đã và đang tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý. Theo đó, phân công cụ thể cho từng ngành, UBND các cấp trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản với 6 tỉnh có địa giới hành chính giáp ranh…

Ông Lê Công Tiến - Phó Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản của các đơn vị đã được cấp giấy phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong 2 năm 2020 - 2021, đã tổ chức 14 cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến lĩnh vực khoáng sản. Qua đó, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý hành chính đối với 57 tổ chức, cá nhân, với số tiền xử phạt hơn 6 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản để người dân cũng như doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Yên Bái là tỉnh có tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, với nhiều loại khoáng sản như: Sắt, đồng, chì, kẽm, cao lanh, felspat, cát, sỏi… Trong đó, đáng kể là đá vôi trắng với trữ lượng khoảng 2.500 triệu m3, quặng sắt với trữ lượng khoảng 200 triệu tấn.

Những năm qua, phát huy thế mạnh của địa phương, tỉnh Yên Bái đã cấp chủ trương đầu tư cho nhiều dự án khai thác, chế biến khoáng sản, tiêu biểu như: Dự án đầu tư khai thác đá vôi trắng mỏ Cốc Há II, thị trấn Yên Thế và xã Liễu Đô, huyện Lục Yên của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam; Dự án khai thác quặng sắt mỏ núi 300, xã Hưng Thịnh và xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên của Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức; Dự án chế biến khoáng sản của Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình...

Các dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế, phí và tiền cấp quyền. Năm 2020, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng hơn 500 tỷ đồng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho khoảng 2.300 lao động. Ngoài các đóng góp trực tiếp nêu trên, các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp và tạo điều kiện để các ngành dịch vụ khác phát triển.

Ông Vũ Đình Thủy - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai:

Tăng cường thu thuế và quản lý, khai thác khoáng sản bền vững

Thời gian qua, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai cơ bản đã đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động khoáng sản hàng năm đã đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Các đơn vị hoạt động khoáng sản cơ bản đã chấp hành các thủ tục, quy định, nghĩa vụ liên quan. Công tác phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương ngày càng chặt chẽ.

Ông Vũ Đình Thủy - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai

Lào Cai cũng tăng cường cơ chế quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý để tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Thực hiện kê khai thuế điện tử của doanh nghiệp tại cơ quan Thuế để xác định sản lượng khai thác. Yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải thực hiện việc lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí vận chuyển. Phối hợp với cơ quan thuế thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các dự án, doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoạt động kinh doanh, khai thác không kê khai, nộp các loại thuế, phí đúng theo quy định.

Nghiên cứu cơ chế chính sách về thuế tài nguyên đối với tài nguyên đã qua chế biến hoặc đã thành sản phẩm khác để xác định giá tính thuế đối với tài nguyên khai thác và sản phẩm khác chế biến từ tài nguyên khai thác cho đồng bộ với chính sách hiện hành nhằm khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên. Sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng thực tế khai thác trong kỳ. Tăng cường quản lý sản lượng tài nguyên khai thác từ khâu cấp phép cho đến quá trình tổ chức khai thác, tiêu thụ để chống thất thoát, trốn sản lượng tính thuế.

Với sự tích cực của Sở TN&MT, Cục Thuế tỉnh và các Sở, ngành liên quan trong việc đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong hoạt động khoáng sản, dự kiến năm 2021, thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản được khoảng 1.500 tỷ đồng (trong đó thuế bảo vệ môi trường khoảng 214 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khoảng 370 tỷ đồng, tiền đóng góp từ khai thác khoáng sản để đầu tư hạ tầng giao thông và khắc phục môi trường khoảng 119 tỷ đồng,…) chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách tỉnh Lào Cai.

Sở TN&MT cũng đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương và Cục Thuế tỉnh thường xuyên rà soát giá bán thực tế trên thị trường để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai thay đổi chính sách thuế, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên phù hợp với thực tế.

Trần Hương