Quảng Bình: Bảo vệ “lá phổi xanh” ven biển

Môi trường - Ngày đăng : 09:35, 30/12/2021

(TN&MT) - Rừng ven biển có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; có chức năng phòng hộ chống cát bay, cát chảy, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế biến đổi khí hậu, bảo vệ khu dân cư, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển. Xác định rõ được tầm quan trọng của rừng phòng hộ ven biển những năm qua tỉnh Quảng Bình đã đây mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển.

Những “lá phổi xanh” ven biển

Vùng ven biển tỉnh Quảng Bình có diện tích 24.365ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó đất có rừng là 19.191,87ha (236,48ha rừng tự nhiên, 9.240,95ha rừng trồng, 9.714,44ha rừng trồng chưa đảm bảo tiêu chuẩn thành rừng), đất chưa có rừng 5.173,13ha, thuộc địa giới hành chính 29 xã của huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch, thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy, trong đó, có 19 xã giáp biển và 10 xã có địa hình chủ yếu là đất cát tiếp giáp các xã ven biển.

Rừng ven biển tại Quảng Bình chủ yếu là rừng trồng với mục đích phòng hộ gồm các loài cây như phi lao, keo lá tràm, keo lưỡi liềm trồng trên cát, thông, bạch đàn, keo lai trồng tại khu vực Đèo Ngang và Đèo Lý Hòa và một số loài cây khác.

Một góc rừng phòng hộ ven biển Quảng Bình

Khu vực phía Bắc của tỉnh, thuộc huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và huyện Bố Trạch có dải rừng ven biển hẹp, chủ yếu là phi lao trên 15 tuổi, gần bờ biển, phát triển tương đối tốt, tạo cảnh quan môi trường và phòng hộ, ngăn chặn biển xâm thực, che chắn gió bão cho các khu dân cư.

Khu vực ven biển phía Nam, thuộc TP. Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy có địa hình tương đối rộng, nhiều cồn cát cao, xen lẫn vùng trũng thấp ngập nước vào mùa mưa, rừng trồng chủ yếu là keo các loại, phi lao thấp, thưa, nhiều chỗ chưa đảm bảo tiêu chuẩn thành rừng; nhiều khu rừng tiếp giáp với đường giao thông, xen lẫn với khu dân cư, nghĩa địa nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển, mở rộng các khu đô thị, khu dân cư, triển khai thực hiện các dự án đầu tư…, Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chuyển phần lớn diện tích rừng phòng hộ sang rừng sản xuất và chuyển ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp, chỉ giữ lại một số diện tích rừng phòng hộ tại những vị trí quan trọng để phòng hộ môi trường.

Phong trào trồng rừng ven biển được nhiều đơn vị tham gia hưởng ứng.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cả nước, kinh tế - xã hội vùng ven biển Quảng Bình phát triển mạnh. Các dự án xây dựng khách sạn, nghỉ dưỡng, tổ hợp du lịch vui chơi giải trí, khu dân cư, khu đô thị, trung tâm điện gió… được cấp phép đầu tư và xây dựng, phần nào có ảnh hướng tới công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Bảo vệ và phát triển rừng ven biển bền vững

Công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển được Quảng Bình thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”;  Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 3/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 22/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020”. Đồng thời, triển khai thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng, căn cứ vào kết quả Kiểm kê rừng tại Quyết định số 3723/QĐ-UBND tỉnh ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh và Quyết định số 4534/QĐ-UBND ngày 25/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Từ năm 2015 - 2020, các dự án đầu tư bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ven biển đã thực hiện khoán bảo vệ 17.236ha rừng phòng hộ; trồng 1.718,6ha rừng, bao gồm: trồng mới rừng phòng hộ 574,6ha; trồng nâng cấp rừng phòng hộ 900ha; trồng rừng sản xuất kết hợp phòng hộ 226ha; trồng rừng ngập mặn 18ha. Chăm sóc rừng trồng 1.492,6ha. Tổng vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển giai đoạn 2015 - 2020 là 98,308 tỷ đồng.

Ngoài ra, để đối phó với nguy cơ cháy rừng xảy ra, ngay từ đầu mùa khô, tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn các địa phương và các đơn vị chủ rừng tu bổ các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện và cấp cơ sở; triển khai nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì cảnh quan, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao khả năng phòng hộ ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực ven biển, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng ven biển như:  Hoàn thiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030”. Rà soát lại diện tích đất, rừng ven biển, đặc biệt là đất, rừng phòng hộ để xác định quỹ đất dành cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Tính toán cụ thể diện tích, loại rừng, vị trí khu rừng cần phải giữ lại và khu vực cần phải phát triển rừng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững để ổn định diện tích rừng. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng ven biển.

Hồng Thiệu