Hà Nam sau 5 năm thực hiện đề án 2617: Môi trường Tây sông Đáy cải thiện rõ rệt
Môi trường - Ngày đăng : 09:34, 30/12/2021
Từ thực tiễn đó, năm 2016, tỉnh Hà Nam đã thành lập Đề án số 2617 về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy. Đến nay, sau 5 năm thực hiện Đề án đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Đề án tổng thể số 2617 về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy địa bàn các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng ra đời từ sự cần thiết do đây là vùng khai thác, sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thực hiện khai thác và chế biến khoáng sản chưa thực hiện đúng quy trình, quy phạm và đầy đủ các biện pháp, giải pháp bảo vệ môi trường. Cùng với mật độ xe chở vật liệu xây dựng quá dày, trong khi hạ tầng giao thông khu vực xuống cấp, một số đoạn đường qua khu dân cư có nhiều vật liệu rơi vãi trên đường không được thu dọn kịp thời; việc tưới phun giảm thiểu bụi đường không thường xuyên và tình trạng xây dựng cầu cảng, máng rót tự phát ven sông. Ngoài ra, khu vực phía Tây sông Đáy, huyện Thanh Liêm có một số nhà máy gây ô nhiễm nước, không khí.
Sau 5 năm thực hiện Đề án 2617, chất lượng môi trường tại tỉnh Hà Nam đã được cải thiện rõ rệt. |
Từ thực tiễn đó, việc thành lập Đề án 2617 thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực phía Tây sông Đáy để hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững khu vực được đặt ra vừa mang tính cấp bách nhưng đồng thời vừa là nhiệm vụ trọng tâm lâu dài nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất vật liệu xây dựng gây ra.
Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, tháng 8/2015, khi chưa thành lập Đề án 2617, kết quả phân tích của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường quan trắc cho thấy, hàm lượng bụi tổng số ở tất cả các khu vực của huyện Thanh Liêm đều cao hơn QCVN từ 1,96 đến 3,09 lần, khí thải và tiếng ồn tại thị trấn Kiện Khê cao hơn quy chuẩn 1,03 lần; Tại huyện Kim Bảng, hàm lượng bụi tổng số ở hầu hết các khu vực đều cao hơn QCVN từ 1,26 đến 1,42 lần; tại những thời điểm các doanh nghiệp khai thác thực hiện nổ mìn hoặc các nhà máy xi măng gặp sự cố, mức độ ô nhiễm môi trường do bụi còn có thể cao hơn rất nhiều so với những số liệu được quan trắc.
Cũng theo Báo cáo, về hiện trạng môi trường nước, một số chỉ tiêu đặc trưng của nước mặt đều vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT như BOD5 vượt từ 1,67 đến 3 lần, COD vượt từ 1,13 đến 2,13 lần NH4+ vượt từ 4,2 đến 12 lần. Chất lượng nước sông Đáy bị suy giảm do hoạt động của các phương tiện giao thông, cầu cảng và xả thải trực tiếp của một số doanh nghiệp vào sông…
Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp trong khu vực phía Tây sông Đáy. Kết quả, đã xử lý 5.574 trường hợp, với tổng số tiền 50.018,48 triệu đồng. Cụ thể: Sở TN&MT thanh tra, kiểm tra xử lý 146 đơn vị, tổng số tiền xử phạt 7.599,23 triệu đồng; Công an tỉnh phát hiện xử lý 5.044 trường hợp, phạt tiền 35.997,65 triệu đồng; Sở Công Thương xử lý 47 đơn vị vi phạm hành chính trong hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tổng số tiền phạt là 950 triệu đồng; Sở GTVT xử phạt hành chính 262 trường hợp, phạt tiền 3.695,5 triệu đồng, xử phạt 2 bến rót, 9 trụ cẩu không có giấy phép, phạt tiền 97,5 triệu đồng…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trên được xác định là do ảnh hưởng từ các hoạt động sản xuất xi măng; khai thác, chế biến đá; giao thông vận tải; hoạt động của nhà máy xử lý rác thải; các nhà máy sản xuất nhựa bê tông... Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở một số cấp, ngành, địa phương còn bị buông lỏng.
Từ thực trạng môi trường và nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, ngày 4/11/2016, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Đề án tổng thể số 2617/ĐA-UBND về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy địa bàn các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng.
Sau 5 năm thực hiện Đề án, đến nay, môi trường khu vực phía Tây sông Đáy đã có chuyển biến tích cực; Nồng độ các chất ô nhiễm không khí SO2, NO2, CO nằm trong tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT. Nồng độ bụi tại một số khu vực trọng điểm phía Tây sông Đáy đã có thời điểm chuyển biến. Tại khu vực thị trấn Ba Sao, nồng độ bụi nằm trong giới hạn cho phép; khu vực gần các nhà máy xi măng, doanh nghiệp khai thác đá thuộc thôn Bồng Lạng, nồng độ ô nhiễm bụi giảm 1,5 - 2,7 lần so với trước khi thực hiện Đề án trong các năm 2017, 2018, 2019.
Đa số các cầu cảng, máng rót đã được xây dựng hệ thống xử lý bụi, xây dựng công trình bảo vệ môi trường theo cam kết. |
Rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về 2 nhà máy xử lý công suất khoảng 330 tấn/ngày, xử lý đạt 100% kế hoạch. Các cơ sở đã thuê đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, đạt 100% kế hoạch. 100% cầu cảng, máng rót tự phát đã được xử lý, dừng hoạt động; 71/80 đơn vị đã được kiểm tra, cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường (đạt 88,75%), còn 9 đơn vị chưa lập Báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, 22 đơn vị chưa hoạt động, đang xây dựng dự án. Có 5/5 nhà máy xi măng lắp đặt truyền số liệu quan trắc khí thải tự động về Sở TN&MT (đạt 100%).
Công tác dịch vụ môi trường thu gom vật liệu rơi vãi, tưới nước làm ẩm mặt đường để giảm thiểu bụi khu vực phía Tây sông Đáy huyện Thanh Liêm được thực hiện với tổng chiều dài các tuyến đường là 32,7km do UBND huyện Thanh Liêm quản lý. Các xã thuộc huyện Kim Bảng, mỗi xã thành lập 1 - 2 tổ dịch vụ môi trường chịu trách nhiệm quét dọn, phun nước giảm thiểu bụi và sửa chữa, nạo vét bùn rãnh dọc trên các tuyến đường dùng chung.
Sở TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục gia hạn thực hiện Đề án 2617/ĐA-UBND ngày 4/11/2016 về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy thuộc địa bàn các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng đến hết năm 2025. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện theo thiết kế cơ sở, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp sát với công suất của dự án, đảm bảo đồng bộ với hộ chiếu nổ mìn, lượng vật liệu nổ công nghiệp sử dụng trong mỗi lần nổ để giảm ảnh hưởng rung chấn, phát thải bụi.
Trên các tuyến giao thông chính trong khu vực do Sở GTVT quản lý như tuyến QL.21, ĐT.494B, ĐT.494C, ĐT.495C… đã được lắp đặt biển hạn chế tải trọng tại các vị trí trọng điểm, xây dựng hệ thống vạch sơn, gờ giảm tốc nhằm hạn chế tốc độ xe chạy trong khu vực; Các doanh nghiệp đã xây dựng, cải tạo đường dùng chung với tổng chiều dài 15,65km. Triển khai dự án đường dùng chung từ ngã ba Thanh Bồng (ĐT495B) đến Thung Dược. Xây dựng tuyến cống thoát nước hai bên chân dốc nhà máy xi măng Kiện Khê.
Từ những kết quả đạt được, có thể thấy Đề án 2617 về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu những điểm nóng về môi trường tại tỉnh Hà Nam. Đề án đã cải thiện được chất lượng môi trường, góp phần to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.