Gia Lai thích ứng với biến đổi khí hậu: Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:34, 30/12/2021

(TN&MT) - Bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất thường xuyên bị hạn, kém hiệu quả, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, liên kết chuỗi giá trị bền vững, tỉnh Gia Lai đã giúp nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Gia Lai là tỉnh thuần nông, sản xuất trồng trọt được xem là ngành kinh tế mũi nhọn giúp Gia Lai đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những năm qua, biến đổi khí hậu không còn là “nguy cơ”, không chỉ là “hiện tượng đơn lẻ” mà đã là “thực tế hiện hữu”, tác động toàn diện, rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh.

Biến đổi khí hậu những năm gần đây tại Gia Lai diễn ra theo chiều hướng ngày càng cực đoan, khó lường, gây tổn thất nặng nề cho nông dân trong tỉnh. Tính riêng vụ Đông Xuân 2015 - 2016, diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán gây ra trên 30.500ha, với tổng thiệt hại trên 841 tỷ đồng. Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, hạn hán  đã gây thiệt hại cho 9.115,7ha, với tổng thiệt hại gần 188 tỷ đồng.

Thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình trồng khoai lang Nhật ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân

Trong bối cảnh sản xuất trồng trọt của nông dân gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là yêu cầu cấp thiết giúp nông dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đức Cơ là huyện thành công trong thực hiện chuyển đổi cây trồng trên diện tích thường xuyên bị hạn. Theo ông Nguyễn Quốc Tư - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Cơ, giai đoạn 2016 - 2020, Đức Cơ đã chuyển đổi được hơn 10ha đất trồng lúa nước kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác như: thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng,…

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nông dân giải quyết được vấn đề nước tưới, hạn chế thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các hộ gia đình tham gia mô hình chuyển đổi cây trồng được tiếp cận giống mới năng suất, chất lượng cao, được đảm bảo đầu ra ổn định. Vì vậy, nông dân rất phấn khởi và tự giác nâng cao nhận thức trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Tư nói.

Ngoài ra, nhiều địa phương như huyện Kbang còn thực hiện giải pháp chuyển đổi cây trồng chỉ trong mùa khô do thiếu nước. Thời gian mùa mưa, vẫn tiếp tục duy trì trồng lúa. Theo ông Mã Văn Tình - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kbang, việc luân canh cây trồng, đặc biệt là các loại cây họ đậu trên đất lúa thiếu nước ngoài tránh được hạn, sẽ giúp cải tạo đất, tăng độ màu mỡ của đất, hạn chế sâu bệnh gây hại và vẫn đảm bảo thu nhập cho người dân; đảm bảo an ninh lượng thực.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao từ việc chuyển đổi cây trồng như: Mô hình trồng khoai lang Nhật tại xã Ia Sol (huyện Phú Thiện); mô hình trồng khổ qua tại xã Ia Dơk (huyện Đăk Đoa)… Các cây trồng được chuyển đổi phù hợp với điều kiện đất đai và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, cho năng suất cao và chất lượng tốt.

Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng hạn, kém hiệu quả, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên 32.719,8ha cây trồng.

Ông Trần Xuân Khải - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết: Chuyển đổi cây trồng và phát triển sản xuất quy mô lớn tại Gia Lai đã đạt những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, diện tích cây trồng bị hạn ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn lớn, chậm đổi mới hình thức sản xuất; năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai của nông dân chưa được cải thiện nhiều.

Giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh Gia Lai đã thực hiện chuyển đổi 36.608,6ha cây trồng vùng hạn và kém hiệu quả sang phát triển cây trồng khác để thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 2.011,9ha.

Cùng với đó, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích bị hạn cũng gặp một số khó khăn, hiệu quả thấp như: diện tích đất do đồng bào dân tộc thiểu số sở hữu ít được quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; diện tích này bỏ hoang không sử dụng gây bạc màu và hoang hóa đất.

Do đó, để khắc phục hạn chế, tạo sức bật mới từ lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, tổ chức lại sản suất thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đem lại nguồn lợi cao nhất cho nông dân, tỉnh Gia Lai đã xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

“Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, Gia Lai sẽ phấn đấu thực hiện chuyển đổi khoảng 83.500ha cây trồng kém hiệu quả gồm: 8.000ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn và khoảng 75.500ha đất trồng mía, sắn, điều, hồ tiêu, cao su kém hiệu quả sang phát triển ra, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây trồng khác và dành quỹ đất phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, ông Khải cho hay.

Quế Mai