Quản lý tài nguyên nước chủ động, đồng bộ và hiệu quả
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:43, 29/12/2021
Chiều 29/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của lĩnh vực tài nguyên nước.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của các đơn vị quản lý tài nguyên nước của Bộ trong thời gian qua. Thứ trưởng cho rằng, trước diễn biến của thiên tai, thời tiết bất thường, công tác quản lý tài nguyên nước thời gian tới đặt ra yêu cầu phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, cùng nhau giải quyết một cách hiệu quả. Để thực hiện được điều này, các đơn vị quản lý tài nguyên nước sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Hoàn thành nhiều nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, năm 2021, do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, với mục tiêu tập trung phòng, chống dịch bệnh nhưng phải bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước đã nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ…. đối với các nhiệm vụ thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý trong tình hình dịch Covid - 19, chỉ đạo điều hành, giải quyết, xử lý công việc trực tuyến trên hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ điện tử, gần 100% các cuộc họp, hội thảo, họp hội đồng, trao đổi… được tổ chức trực tuyến hiệu quả.
Quang cảnh Hội nghị |
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến cho biết, với các nhiệm vụ Chính phủ giao đến nay, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã nỗ lực tập trung hoàn thành những nhiệm vụ trọng tậm. Cụ thể, về Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021, ban hành sớm 5 tháng so với thời hạn đăng ký. Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 4/8/2021, ban hành sớm 2 tháng so với thời hạn đăng ký.
Về Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2042/QĐ-TTg ngày 3/12/2021 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến tháng 1/2022 sẽ tổ chức họp hội đồng thẩm định.
Liên quan đến các Quy hoạch tổng hợp các LVS đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tổng hợp LVS Bằng Giang - Kỳ Cùng (số 1969/QĐ-TTg); Quy hoạch tổng hợp LVS Srepok (số 2138/QĐ-TTg); Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San (số 2204/QĐ-TTg). Các quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông còn lại tiếp tục được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, nhiệm vụ được giao.
Liên quan đến Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, các đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, trình Bộ để Bộ trình Chính phủ tại Tờ trình số 42/TTr-BTNMT ngày 11/8/2021. Đề án “Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam” đã hoàn thành xây dựng đề cương Đề án trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Tờ trình số 84/TTr-BTNMT ngày 22/11/2021. Các đơn vị đã hoàn thiện “Báo cáo Đề án về chủ trương, đối sách của Việt Nam đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công”, trình Bộ Chính trị.
Cùng với đó, các đơn vị phối hợp với các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức tham vấn cho Dự án thủy điện Sa-na-kham.Phối hợp với các quốc gia thành viên và Ban Thư ký tổ chức thành công Phiên họp Hội đồng Ủy hội lần thứ 28; thông qua Chiến lược phát triển thủy điện bền vững. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Ủy ban xem xét, quyết định các chủ trương, chính sách.
Ngoài ra, một số nhiệm vụ Chính phủ chuyển tiếp đã thực hiện: “Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”; Đề án “Bảo vệ nước dưới đất tại các khu đô thị lớn” - Giai đoạn II; Dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam”; và “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ĐBSCL, định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất”.
Bám sát các chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến cho biết, đến nay, các đơn vị quản tài nguyên nước đã trình Bộ trưởng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021). Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi: Xây dựng dự thảo, gửi văn bản lấy ý kiến góp ý dự thảo của các cơ quan, tổ chức liên quan; đã được Bộ Tư pháp thẩm định tại Báo cáo số 198/BCTĐ-BTP ngày 5/11/2021 và Bộ đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 86/TTr-BTMMT ngày 23/11/2021.
Đại diện các đơn vị góp ý tại Hội nghị. Ảnh chụp màn hình |
Thực hiện giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, đến nay 100% đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.
Hoàn thiện công tác kiện toàn lãnh đạo Ủy ban do Bộ, ngành điều chỉnh nhân sự (Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam). Hoàn thành các văn kiện pháp lý của Tiểu ban như Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ và thành phần của các Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk và Quy chế hoạt động của các Tiểu ban.
Tăng cường công tác cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, thực hiện phân bổ nguồn nước hợp lý cho các mục đích sử dụng nước. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tiếp tục tích cực triển khai Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tập trung triển khai, thực hiện việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất.
Chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác quản lý, thẩm định và hậu kiểm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất. Chỉ đạo thường xuyên cập nhật, theo dõi kết quả cấp phép lên Hệ thống giám sát tài nguyên nước đảm bảo đồng bộ và đáp ứng mục tiêu công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên nước.
Triển khai các hoạt động của Tổ chức lưu vực sông: theo dõi, giám sát và dự báo tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long; xuất bản các Bản tin dự báo tài nguyên nước hàng tháng; duy trì hoạt động thường xuyên thông báo tình hình xả nước của các công trình thuỷ điện trên sông Sê San và Srêpốk cho phía Campuchia; cập nhật cơ sở dữ liệu lưu vực sông Sê San - Srêpốk và lưu vực sông Cửu Long và góp ý cho các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San và Srêpốk.
Nhiều dấu ấn quản lý tài nguyên nước ở địa phương
Trong năm 2021, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành 121 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, chủ yếu phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh; danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh; phê duyệt vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và Danh mục các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; công tác quy hoạch tài nguyên nước; cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nước dưới đất; phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh,...
Theo đó, các Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác cấp phép tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Thống kê sơ bộ, năm 2021 các địa phương đã cấp được 1.726 giấy phép tài nguyên nước các loại (trong đó: cấp mới 1.357 giấy phép; gia hạn, điều chỉnh 369 giấy phép). Trong đó cấp phép xả nước thải vào nguồn nước 998 giấy phép (chiếm 57,8%), khai thác sử dụng nước mặt 133giấy phép (chiếm 7,7%), thăm dò nước dưới đất 39 giấy phép (chiếm 2,25%), khai thác sử dụng nước dưới đất 513giấy phép (chiếm 29,7%), hành nghề khoan nước dưới đất 43 giấy phép (chiếm 2,5%).
Năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vì vậy hầu hết các Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh trong cả nước thực hiện tổ chức lồng ghép phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước; tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước.... Ngoài ra, các Sở tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Nước thế giới, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về tài nguyên môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng cho nhân dân qua các chuyên mục trên đài phát thanh, truyền hình, các phóng sự, bản tin thời sự…
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số địa phương không tiến hành thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước. Các địa phương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước (27/49 địa phương nộp báo cáo). Theo số liệu thống kê, có tổng số107 đoàn thanh tra kiểm tra đối với 341 tổ chức cá nhân, tổng số tiền phạt hơn 3,9 tỷ đồng, như vậy giảm hơn so với năm 2020 là 3,7 tỷ đồng (tỷ lệ 51%). Các địa phương đã phê duyệt 90 tỷ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Năm 2022, tập trung thực hiện 14 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2022, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đặt ra 14 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
Cụ thể là sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012; rà soát, sửa đổi Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; công bố và triển khai thực hiện 03 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng; sông Sê San và sông SrePôk.
Theo số liệu thống kê, năm 2021,đã có 10/49địa phương đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, như: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Bình, Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng, Tiền Giang và Sóc Trăng,...; ngoài ra còn một số địa phương đang triển khai thực hiện Danh mục nguồn nước đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệtvà lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong thời gian tới.
Đáng chú ý, các đơn vị tập trung hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 2 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021; triển khai thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 8/4/2021.
Các đơn vị tiếp tục theo sát tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan tại các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề nóng trong lưu vực và các thông tin cập nhật quan trọng; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương, chia sẻ thông tin, số liệu với Campuchia, Lào; chuẩn bị các nội dung để tiếp tục đàm phán về Hiệp định về quy chế sử dụng nước dọc biên giới Việt Nam- Campuchia…..
Chuẩn bị Báo cáo về Ý kiến chính thức của Việt Nam đối với cho Dự án thủy điện Sa-na-kham của Lào và tổ chức tham vấn cho Dự án thủy điện Phua-Ngòi của Lào sau khi tham vấn Dự án thủy điện Sa-na-kham kết thúc.
Chuẩn bị nội dung và tổ chức tốt Phiên họp Hội đồng Uỷ hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 29, Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác tài nguyên nước Mê Công- Lan Thương lần thứ hai; đăng cai Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về tài nguyên nước lần thứ 22 (dự kiến tổ chức tại Việt Nam năm 2022). Đẩy mạnh hợp tác Quốc tế trong việc hỗ trợ sửa đổi Luật Tài nguyên nước, các chính sách và chương trình, dự án về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Các đơn vị tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện quy định của pháp luật về tài nguyên nước; hoàn thiện xây dựng các Thông tư quy định kỹ thuật và định mức kinh tế- kỹ thuật điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước; định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đề án, dự án Chính phủ, cấp Quốc gia, cấp Bộ, các dự án hợp tác quốc tế, đề tài khoa học... đã được phê duyệt.
Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo, trong thời gian tới, trước mắt là năm 2022, lãnh đạo các đơn vị quản lý tài nguyên nước tiếp tục giữ vững và phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực hơn nữa trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Cụ thể là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên nước. Năm 2022, các đơm vị cần tập trung rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo đáp ứng và giải quyết được các bức xúc, yêu cầu từ thực tiễn; thể hiện rõ vai trò, chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên tất cả các mặt từ Hệ thống văn bản QPPL đến triển khai ngoài thực địa.
Triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các Quy hoạch lưu vực sông, Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long, đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Thực hiện kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025. Hoàn thành và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát việc khai thác sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi toàn quốc. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể về an ninh tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình. Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông.
Tiếp tục theo sát tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan tại các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công, báo cáo kịp thời các vấn đề nóng trong lưu vực và các thông tin cập nhật quan trọng; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương, chia sẻ thông tin, số liệu với Campuchia, Lào; chuẩn bị các nội dung để tiếp tục đàm phán về Hiệp định về quy chế sử dụng nước dọc biên giới Việt Nam - Campuchia…
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác Quốc tế trong việc hỗ trợ sửa đổi Luật tài nguyên nước, các chính sách và chương trình, dự án về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia trên các lưu vực sông. Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm khẳng định vị thế của lĩnh vực tài nguyên nước.
Khẩn trương thúc đẩy triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực Tài nguyên nước. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng các công nghệ mới trong theo dõi, giám sát tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Xây dựng được một hệ thống cơ sở, thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước đầy đủ, đồng bộ, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý và hỗ trợ cho quá trình ra quyết định điều hòa phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước các lưu vực sông.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong công cuộc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.