Phấn đấu khởi công cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc vào tháng 10/2022

Trong nước - Ngày đăng : 18:59, 28/12/2021

Kiểm tra thực địa hướng tuyến và làm việc về công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT, hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đổi mới phương pháp, phối hợp chặt chẽ để khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, khởi công công trình vào tháng 10/2022.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT, hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đổi mới phương pháp, phối hợp chặt chẽ để khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, khởi công công trình vào tháng 10/2022. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Tham gia đoàn công tác và dự cuộc làm việc tại huyện Dạ Huoai (Lâm Đồng) có lãnh đạo các Bộ GTVT, KH&ĐT và một số bộ, ngành Trung ương, hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng.

Địa phương cam kết bố trí đủ vốn, mong cao tốc sớm được triển khai

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai)-Bảo Lộc (Lâm Đồng) có chiều dài 66 km, là một trong 3 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây-Liên Khương (có tổng chiều dài 200,3 km) nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời gian 2021-2030. “Trường hợp được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tháng 1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ khẩn trương chỉ đạo quyết liệt triển khai các bước tiếp theo theo quy định để sớm khởi công công trình trong tháng 10/2022 và hoàn thành công trình trong năm 2025 theo tiến độ đề ra”, ông Trần Văn Hiệp nói.

“Chúng tôi cam kết bố trí đủ nguồn vốn 4.500 tỷ đồng cho dự án này”, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định. “Tỉnh rất mong đường cao tốc sớm được triển khai”.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, dự án có vai trò quan trọng trong việc kết nối Đông Nam Bộ với khu vực Tây nguyên. Một trong điểm còn vướng của dự án là đi qua đất rừng. Theo tỉnh Đồng Nai, tháng 1/2022, tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án đoạn qua tỉnh Đồng Nai.

Tại cuộc làm việc, các bộ bày tỏ sự ủng hộ triển khai dự án, luôn đồng hành cùng địa phương, đẩy nhanh triển khai các thủ tục để dự án sớm được khởi công. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sẽ tạo điều kiện tối đa, đồng thời cam kết triển khai đoạn cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (do Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) để đảm bảo khai thác liền mạch, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Đại diện Bộ TN&MT lưu ý các địa phương bảo đảm nguồn vật liệu đắp nền cho dự án, tránh tình trạng thiếu vật liệu xây dựng từng gặp phải trong thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1.

Phó Thủ tướng cho biết, bên cạnh giao ban định kỳ đối với dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, thì tới đây sẽ mở rộng hơn, cả với các tuyến cao tốc khác để rà soát tiến độ. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Chính phủ, các bộ, ngành cùng ghé vai với địa phương

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, phải đổi mới để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra khi mục tiêu là đến năm 2025 chúng ta phải hoàn thành 3.000 km cao tốc. Tính đến hết năm 2021, chúng ta mới có 1.200 km. Như vậy, trong 4 năm tới, phải hoàn thành 1.800 km.

Trước đây, mỗi năm hoàn thành 60-70 km cao tốc, thì tới đây, mỗi năm phải hoàn thành 450 km. Vì vậy, phải phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ và đánh giá cao tỉnh Lâm Đồng đã chủ động thực hiện chủ trương của Chính phủ, chủ động nhận vai trò là cơ quan có thẩm quyền đối với dự án. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, Lâm Đồng chủ động tìm, bố trí nguồn vốn cho dự án. Như vậy, công việc hiện nay của các bộ, ngành chỉ còn vấn đề thủ tục. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ tốt đa cho Lâm Đồng để làm nhanh, làm đúng các thủ tục về phê duyệt chủ trương dự án.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm trình Bộ NN&PTNT xem xét việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, chậm nhất là vào 10/1/2022, để có cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. “Chúng ta chậm 1 ngày thì dự án chậm 1 ngày, mà 1 ngày thi công trên công trường rất quý giá”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết: “Chúng tôi cam kết bố trí đủ nguồn vốn 4.500 tỷ đồng cho dự án  và khẳng định tỉnh Lâm Đồng rất mong đường cao tốc sớm được triển khai. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành “ghé vai” cùng các địa phương để phấn đấu khởi công công trình cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc vào tháng 10/2022. Đồng thời, Bộ GTVT sớm triển khai đoạn cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, tỉnh Lâm Đồng triển khai đoạn Bảo Lộc-Liên Khương để nối thông cao tốc đoạn Dầu Giây-Liên Khương, qua đó kết nối TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ với Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng cho biết, bên cạnh giao ban định kỳ đối với dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, thì tới đây sẽ mở rộng hơn, cả với các tuyến cao tốc khác để rà soát tiến độ. “Cao tốc phát triển đến đâu thì các địa phương ở đó sẽ phát triển đến đấy. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết tâm đẩy nhanh đầu tư các tuyến cao tốc”.

Theo Chinhphu.vn