Quảng Bình: Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi tôm nước lợ 2021 – 2025

Tin tức - Ngày đăng : 18:50, 24/12/2021

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, ngày 22/12/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Kế hoạch số 2804/KH-UBND về việc quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi tôm nước lợ nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng ngừa phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro do môi trường gây ra trong nuôi tôm nước lợ theo hướng góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi tôm nước lợ nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý.

Cụ thể ngoài việc tổ chức tập huấn cho các chủ cơ sở nuôi tôm nước lợ ở 5 huyện, thị xã triển khai hoạt động quan trắc (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch). Đối với môi trường trong nuôi tôm nước lợ sẽ được tiến hành từng giai đoạn: Thời gian triển khai đối với vùng nuôi trên cát ven biển từ tháng 1 - 12 hàng năm; đối với vùng nuôi nước lợ ven sông từ tháng 3 - 10 hàng năm (Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy điều kiện thực tế có thể điều chỉnh thời gian quan trắc cho phù hợp).

Địa điểm quan trắc vùng nuôi trên cát ven biển tại 3 điểm là xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch), phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) và vùng nuôi nước lợ ven sông tại 4 điểm gồm xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Hạ Trạch, Đồng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn).

Việc quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hệ thống nhằm phát hiện những yếu tố nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản. Địa điểm quan trắc có tính ổn định và đại diện cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, có chung nguồn nước cấp, phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương; những nơi thường xảy ra dịch bệnh hoặc nguy cơ ô nhiễm môi trường; xác định được tọa độ và được đánh dấu trên bản đồ.

Các thông số quan trắc yêu cầu đảm bảo tính chính xác, khoa học, phản ánh được sự biến động, dự báo được chất lượng môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi để cung cấp thông tin kịp thời diễn biến môi trường giúp người nuôi kiểm soát chất lượng nước nuôi thủy sản, giảmthiểu rủi ro trong sản xuất.

Hồng Thiệu