Thị trường BĐS phía Nam: Còn nhiều khó khăn, thách thức
Bất động sản - Ngày đăng : 10:51, 23/12/2021
Dấu hiệu phục hồi
Theo Báo cáo thị trường BĐS mới đây của DKRA Việt Nam cho thấy, sau một thời gian trầm lắng do dịch Covid-19, nguồn cung các phân khúc căn hộ, đất nền, biệt thự, liền kề tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đã có dấu hiệu phục hồi. Nhìn chung, sức cầu toàn thị trường ở các phân khúc đất nền, căn hộ, nhà phố - biệt thự, BĐS nghỉ dưỡng có sự gia tăng đáng kể. Tuy vậy, mặt bằng giá thứ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường ghi nhận ở mức trung bình.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam nhận định, trong quý IV/2021, thị trường BĐS có thể sẽ sôi động hơn so với quý III, nhưng sẽ khó “bùng nổ” về giao dịch. Sức mua trong quý IV tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý III. Nguyên nhân phụ thuộc vào thu nhập của người mua, một số khác đang thận trọng quan sát. Thêm nữa, thị trường thứ cấp chưa tích cực cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp. Thị trường trong quý IV vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn BĐS là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và bảo toàn giá trị tài sản.
Theo nghiên cứu mới đây của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM sẽ chạm đáy vào cuối năm 2021 và sẽ phục hồi từ 60 - 70% vào năm 2022 - 2023. Kỳ vọng thị trường BĐS, nhà ở phục hồi từ năm 2022 dựa trên 3 yếu tố: Nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trong 2022; lãi suất vay mua nhà thấp củng cố quyết định mua nhà; nguồn cung mới hồi phục ấn tượng nhờ nới lỏng pháp lý dự án. Về dài hạn, việc thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tác động trực tiếp tới thị trường BĐS trong các năm tới.
Theo các chuyên gia, đa dạng nguồn cung sản phẩm sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động trở lại (Ảnh minh họa) |
Đối mặt khó khăn
Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, mặc dù đã có tâm lý tích cực và niềm tin vào thị trường BĐS, nhưng cũng phải nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức mà thị trường đã và đang phải đối mặt. Trong đó, nguồn cung BĐS mới vẫn còn hạn chế; nhiều dự án vẫn chưa được tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý; mức giá BĐS đã tăng cao, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS có khả năng tự phục hồi. Vấn đề là doanh nghiệp chỉ xin tháo gỡ cơ chế chính sách để có thể bật dậy mạnh mẽ như chiếc lò xo sau thời gian bị nén chặt. Dù cuối 2020, vấn đề đất công xen cài trong dự án đã được tháo gỡ, nhưng khâu tổ chức thực hiện còn chậm. Có những quy trình về đầu tư xây dựng mà TP.HCM đã chỉ đạo tháo gỡ, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được nên hồ sơ dự án bị “tắc”, giảm nguồn cung BĐS, dẫn đến giá tăng liên tục, vừa do quy luật cung - cầu, vừa do thể chế và thực thi pháp luật.
Theo TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, đối với TP.HCM, BĐS là 1 trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển kinh tế. Hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết, như: tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là tháo gỡ các “nút thắt” để doanh nghiệp vươn lên. Mỗi dự án khác nhau thì phải có hướng xử lý khác nhau, dù vậy, nhất quyết phải tháo gỡ, bởi đây là bước khởi động đầu tiên giúp thị trường BĐS TP.HCM phát triển.
“Hiện tại, doanh nghiệp BĐS đã có động thái ứng phó với dịch Covid-19 bình tĩnh hơn trong điều kiện “bình thường mới”, đồng thời “thủ” sẵn các giải pháp để ứng phó linh hoạt nhằm vượt qua khó khăn. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Tuy nhiên, BĐS là một ngành chủ lực của kinh tế, nên nguồn cầu sau thời gian có độ nén sẽ bật trở lại. Khi cung - cầu gặp nhau sẽ tạo sự sôi động trong thời gian tới”.
Ông Lê Hoàng Châu
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM