Hậu Giang: Tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:50, 23/12/2021
Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước
Theo Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tăng cường triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tài nguyên nước; tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; lập, phê duyệt, công bố Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước dưới đất đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quy định; thẩm định, cấp Giấy phép tài nguyên nước đối với các công trình thuộc trường hợp phải có giấy phép.
Cùng với đó, tập trung thực hiện Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước thông qua việc xây dựng và tổ chức quy hoạch tài nguyên nước dưới đất; chủ động kiểm soát tình hình ô nhiễm nguồn nước, bảo đảm nguồn nước đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước khác nhau, đặc biệt là nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân; đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng tránh nguy cơ làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Tỉnh Hậu Giang đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn nước mặt kênh Xáng Xà No. |
Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã tổ chức quan trắc môi trường nước mặt, quan trắc động thái nước dưới đất; đánh giá chất lượng, sức chịu tải một số nguồn nước chính trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải công nghiệp; lập Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang để bảo vệ; khoanh định khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; lập, phê duyệt, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước trên địa bàn tỉnh.
Tính đến tháng 8/2021, tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với 59 công trình khai thác tài nguyên nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và được công bố, đăng tải theo đúng quy định. Đối với các chủ công trình khai thác tài nguyên nước đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh của công trình trên thực địa để cắm mốc, biển hiệu và quản lý, bảo vệ nguồn nước khai thác theo đúng quy định.
Ngoài ra, để giám sát số lượng, chất lượng nguồn nước; hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hiện nay tỉnh Hậu Giang đã vào vận hành 3 trạm quan trắc nước mặt tự động và 45 vị trí khác trên các tuyến sông kênh chính; đồng thời, triển khai quan trắc động thái nước dưới đất tại 8 điểm, với 24 lỗ khoan ở 4 tầng chứa nước đang được khai thác nhiều trên địa bàn tỉnh.
Tập trung bảo vệ nguồn nước
Để bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm trước tác động từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang siết chặt công tác quản lý, nhất là việc khai thác nước mặt, dưới đất, xả nước thải trong các khu, cụm công nghiệp vào các sông, rạch; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước.
Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang còn triển khai xây dựng Bản đồ số xâm nhập mặn; khảo sát, đánh giá chế độ thủy văn, địa hình đáy, địa chất ven sông, kênh chính; rà soát danh mục các hồ, ao, đầm không được san lấp; xây dựng các tuyến đê ngăn mặn, cống hở điều tiết nguồn nước; triển khai đắp đập thời vụ, nạo vét sông kênh rạch để tăng cường khả năng tích trữ và lưu thông nguồn nước; vận hành hiệu quả 10 trạm quan trắc tự động đo nồng độ mặn tại các tuyến sông chính trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Hậu Giang đã xây dựng hàng chục cống ngăn mặn để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân |
Song song với đó, tỉnh Hậu Giang cũng đang tập trung triển khai đề án cấp nước sạch nông thôn và quy hoạch cấp nước trên địa bàn tỉnh; khoan 13 giếng khai thác nước dưới đất với công suất khai thác khoảng 15.000m3/ngày đêm để dự phòng trong trường hợp nguồn cấp nước sinh hoạt bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt với dung tích giai đoạn 1 khoảng 1 triệu m3 để cấp cho sinh hoạt và sản xuất cho người dân ở khu vực thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Để chủ động đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, tỉnh Hậu Giang đã và đang tập trung xây dựng mới các hệ thống cấp nước tập trung quy mô lớn có công nghệ xử lý nước đạt quy chuẩn quốc gia; mở rộng, nâng cấp và nối mạng cấp nước cho các xã, loại bỏ dần giếng khoan nhỏ để bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm”.
Theo Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, tính đến tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh có 90 công trình đã được phê duyệt cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền khoảng 379 tỷ đồng. Hiện tại, các đơn vị đã nộp theo các quyết định phê duyệt khoảng 35 tỷ đồng. Hầu hết các công trình thuộc trường hợp phải kê khai tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã thực hiện kê khai theo đúng quy định, chưa phát sinh trường hợp phải truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền trên địa bàn tỉnh.