Cần đẩy nhanh hoạt động giảm phát thải trong năm 2022

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:50, 23/12/2021

(TN&MT) - Theo các nhà khoa học, thời tiết cực đoan xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới vào năm 2021 là do hệ quả của việc nhiệt độ Trái Đất tăng quá ngưỡng giới hạn 1,5 độ C. điều này đang bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết. Các chuyên gia cho rằng, thiên tai nghiêm trọng do biến đổi khí hậu đã khiến Chính phủ các nước nhận thức được tầm quan trọng của việc đáp ứng các mục tiêu quốc tế nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Lỗ hổng về phát thải

Thực tế cho thấy, nhiều quốc đảo đang đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm trong bối cảnh hiện tượng ấm lên toàn cầu làm tăng mực nước biển dâng đã tiên phong trong việc đáp ứng mục tiêu giảm phát thải nhằm ngăn thảm họa khủng khiếp hơn xảy ra. Song trái với những nỗ lực này, trong năm nay, mục tiêu Thỏa thuận Paris về giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng đến mức 1,5 độ C của các quốc gia vẫn nằm ngoài tầm với. Các quốc gia vẫn đang tranh luận về việc làm thế nào để đi đúng hướng nhằm đạt được mục tiêu này, đưa ra nhiều cam kết cắt giảm khí thải, thay vì đặt ra quy mô hay vạch rõ khung thời gian, tiến độ thực hiện.

Hành tinh đã nóng lên 1,1 độ C kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ, gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) cho biết, đến năm 2030, cần giảm khoảng 45% lượng khí thải CO2 do con người tạo ra so với lượng khí thải năm 2010 và đạt mức trung hòa vào giữa thế kỷ này để giúp thế giới có cơ hội giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C và tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Năm 2021, nhiều nơi trên thế giới đã trải qua thời tiết khắc nghiệt

Hành động nhanh chóng để trở lại lộ trình an toàn

Net Zero Tracker - một liên minh gồm 4 nhóm nghiên cứu cho hay, tin tốt là trong năm nay, 90% nền kinh tế toàn cầu đang đặt ra các mục tiêu về trung hòa khí thải, tăng cao so với 68% của năm 2020. Frank Rijsberman, Tổng Giám đốc của Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc) nhấn mạnh, sự gia tăng các cam kết về trung hòa khí thải cho thấy thế giới đang nỗ lực đạt được mục tiêu 1,5 độ C.

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) đã kết thúc với cam kết tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời giảm bớt việc sử dụng than đá trong sản xuất theo từng giai đoạn, chấm dứt việc trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia hành động nhanh chóng nhằm đưa thế giới trở lại lộ trình an toàn.

Theo ước tính của nhóm nghiên cứu hành động khí hậu Climate Action Tracker, các cam kết cắt giảm khí thải từ nay đến năm 2030 vẫn khiến thế giới phải đối mặt với mức tăng nhiệt độ trung bình 2,4 độ C. Chuyên gia về chính sách khí hậu Niklas Hohne thuộc Viện Khí hậu mới có trụ sở tại Đức cho biết, mặc dù nhiều nhà lãnh đạo đã ủng hộ mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C so với mức tăng 2 độ C, nhưng khoảng cách giữa quyết tâm và hành động đang ngày càng xa.

Nhận thức được điều này, Hội nghị COP26 đã nhất trí rằng, các quốc gia cần vạch ra kế hoạch giảm khí thải tham vọng hơn vào năm tới.

Tổng hợp từ Reuters

Mai Đan