Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia: Đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống phần mềm dữ liệu tập trung

Môi trường - Ngày đăng : 19:33, 22/12/2021

(TN&MT) - Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đối với Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (Tổng cục KTTV) tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, diễn ra chiều 22/12.

Tham dự Hội nghị có Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái; các Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn…

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh chụp qua màn hình

12 cơn bão và ATNĐ, 21 đợt không khí lạnh

Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, trong năm 2021, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng “La Nina kép” với ENSO ở trạng thái La Nina trong những tháng đầu năm, chuyển sang pha trung tính trong những tháng giữa năm sau đó quay lại trạng thái La Nina trong những tháng cuối năm. Tổng cộng đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai.

Trong năm 2021, trên khu vực Biển Đông đã có 12 cơn bão và ATNĐ (9 cơn bão và 3 ATNĐ), xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN). Hầu hết các cơn bão khi di chuyển vào vùng ven biển nước ta đều suy yếu thành ATNĐ hoặc thành một vùng áp thấp trước khi di chuyển vào đất liền. Trong đó, cơn ATNĐ tháng 7 (5 - 8/7), bão số 2 (KOGUMA), bão số 6 (DIANMU), bão số 7 (LIONROCK) và bão số 8 (KOMPASU), bão số 9 (RAI) đã ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Các ATNĐ và bão khi đổ bộ đã gây gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 cho các vùng ven biển nước ta; riêng cơn bão số 2 gây gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.

Đặc biệt bão số 9, được hình thành vào cuối mùa bão (tháng 12) nhưng có cường độ mạnh nhất đạt cấp 14 - 15, giật cấp 17. Trong thời gian hoạt động trên Biển Đông, bão số 9 luôn duy trì cường độ trên cấp 13 suốt 54 tiếng. Tại Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây đã quan trắc được gió mạnh cấp 14, giật cấp 17. Đây là trị số gió đo được trực tiếp lớn nhất trong vòng khoảng 40 năm qua trên hệ thống quan trắc của Việt Nam.

Tính đến ngày 20/12, đã có 21 đợt không khí lạnh (KKL) xâm nhập xuống nước ta, trong đó, có 14 đợt gió mùa Đông Bắc (GMĐB) và 7 đợt KKL tăng cường. Trong đó, đợt KKL tăng cường mạnh vào ngày 7/1/2021, sau đó, được bổ sung vào ngày 10/1/2021 và đợt KKL tăng cường mạnh ngày 17/1 đã gây ra rét đậm, rét hại ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, nhiệt độ thấp nhất một số nơi ở vùng núi cao của Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xuống dưới 0 độ C, đã xuất hiện mưa tuyết và băng giá, trong đêm 10/1/2021 trên vùng núi cao Y Tý - Lào Cai.

Năm 2021, đã xảy ra 11 đợt nắng nóng trên diện rộng, gây nhiều ngày nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt cho các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 38 - 40 độ C, có nơi trên 41 độ C. Trong đó, đợt nắng nóng kéo dài 22 ngày (từ ngày 3 - 24/8) đã gây nhiều ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt cho khu vực Trung Bộ, đây cũng là đợt nắng nóng kéo dài nhất trong năm 2021.

29 đợt mưa lớn diện rộng, Bắc Bộ xuất hiện ít lũ

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, năm 2021, trên cả nước, đã xảy ra 29 đợt mưa lớn trên diện rộng, các đợt mưa lớn chủ yếu tập trung trong các tháng 8, 9 và 10. Trong đó, đợt mưa lớn xảy ra vào những ngày cuối tháng 11 (từ ngày 26 - 30/11) ở khu vực từ Quảng Nam đến Ninh Thuận, phía Đông của Gia Lai và Đắk Lắk, với mưa cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn đã gây ngập lụt ở nhiều nơi.

Năm nay, mùa lũ các sông suối khu vực Bắc Bộ xuất hiện ít lũ. Tổng số có 7 đợt lũ với biên độ lũ lên phổ biến từ 2 - 6m, chủ yếu là lũ vừa và lũ nhỏ trên các sông suối nhỏ. Trên các sông chính và hạ lưu các sông thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình hầu như không xuất hiện lũ, chỉ có 1 đợt lũ đạt mức báo động (BĐ)2 trên sông Thao; riêng khu vực thành phố Hải Phòng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 8 kết hợp với triều cường, mực nước vùng cửa sông đã lên mức BĐ2-BĐ3 trong ngày 15/10. Mực nước đỉnh lũ trên sông Hồng tại Hà Nội ở mức thấp nhất trong chuỗi quan trắc đỉnh lũ năm.

Tính đến 14/12, khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đã xuất hiện 9 đợt lũ trên diện rộng và một số trận lũ xảy ra cục bộ trên các sông nhỏ. Các trận lũ vừa và lớn tập trung vào tháng 10/2021 và đợt lũ từ ngày 28/11 - 3/12. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến mức BĐ2-BĐ3, một số nơi trên BĐ3; riêng đợt lũ từ ngày 28/11 - 3/12, đỉnh lũ trên các sông tử Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Gia Lai phổ biến ở mức BĐ3 và trên BĐ3.

Về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, tại khu vực Nam Bộ, trong mùa khô năm 2020 - 2021, mực nước trên sông Mê Công ở mức thấp hơn TBNN. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (trạm Kratie) về hạ lưu ở mức thấp hơn so với TBNN. Trong thời kỳ này, đã có 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh ở ĐBSCL nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 20/12, thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích, bằng 46% trung bình 10 năm vừa qua và thấp nhất trong 30 năm vừa qua, thiệt hại ước tính trên 4.970 tỷ đồng, bằng 22% 10 năm vừa qua (Trung bình 10 năm 2012 - 2021, có 230 người chết, mất tích thiệt hại kinh tế: 22.632 tỷ đồng). Thiệt hại về người do bão năm 2021 là 5 người; giảm thiểu so với một số năm bão lớn gần đây như năm 2017: 43 người, năm 2020: 25 người.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm như bão, ATNĐ, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn,... phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội

Tại Hội nghị, nhiều phòng chức năng trực thuộc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục KTTV, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các chuyên gia KTTV đã phát biểu tham luận làm rõ thêm những kết quả của báo cáo tổng kết, đồng thời, đưa ra nhiều ý kiến góp ý nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn trong những năm tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, vượt qua nhiều khó khăn, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2021. Trung tâm đã có nhiều đổi mới sáng tạo, áp dụng nhiều công nghệ mới, huy động được tri thức quốc tế, cố gắng vận dụng các thành tự khoa học công nghệ của Việt Nam, từng bước đưa các bản tin dự báo đến Tổng cục Phòng chống thiên tai, các tổ chức và nhân dân, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Qua các bản tin dự báp có độ tin cậy, vai trò, vị thế của ngành KTTV cũng được nâng lên.

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cần tiếp tục rà soát lại từng cơn bão, đợt thiên tai đã xảy ra trong năm 2021, để rút ra những bài học kinh nghiệm, củng cố những phương pháp, hệ thống công cụ, nguồn lực để làm tốt công tác dự báo cho năm 2022. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định như quy trình họp dự báo, quy trình đưa ra bản tin, từ đó, kiện toàn hệ thống dự báo KTTV từ Trung ương đến địa phương; nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo quỹ đạo và cường độ bão.

Ông Trần Hồng Thái cũng cho rằng, những năm qua, chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong dự báo mưa lớn. Năm 2022, cần tập trung hơn nữa, áp dụng các công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số, từng bước làm tốt hơn, tăng cường chất lượng dự báo mưa lớn cho 12 giờ, 18 giờ, 24 giờ và tiến tới là 48 giờ với độ phân giải ngày càng nâng cao. Cải tiến, đổi mới trong dự báo thủy văn. Ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ, học tập kinh nghiệm quốc tế, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm KTTV. Phải dự báo được cho các ngành phát triển kinh tế - xã hội như điện lực, hàng không, nông nghiệp…

Trong năm 2022, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường chất lượng dự báo mưa lớn. Ảnh minh họa

Biểu dương những kết quả đạt được của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia trong năm 2021, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, công tác dự báo bão trong năm 2021, đặc biệt là ở cơn bão số 9 vừa qua đã ngày càng bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn với tinh thần trách nhiệm rất cao. Sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống dự báo KTTV đã góp phần làm cho các thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm nhiều so với trung bình nhiều năm.

Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, định hướng mà ngành KTTV theo đuổi những năm qua là chuyển đổi số, định hướng này đã được Chính phủ, Bộ TN&MT quan tâm, đầu tư hệ thống trang thiết bị, công nghệ, phần mềm, hệ thống đo đạc tự động. Kết quả cho thấy, năm 2020 - 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác chuyên môn không bị ảnh hưởng. Dịch Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực đã cho thấy việc chuyển đổi số sớm, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dự báo, cảnh báo đã mang lại hiệu quả công việc rất lớn.

Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn, năm 2022, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống phần mềm dữ liệu tập trung để ứng dụng trong công tác chuyên môn ở tất cả các cấp (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh, thành phố). Việc ứng dụng hệ thống này là hết sức quan trọng vì nó sẽ thay đổi căn bản công việc. Từ khi có hệ thống dữ liệu tập trung, thảo luận dự báo trực tuyến thì công tác dự báo KTTV có điều kiện phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cần tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống các quy trình, quy định để các hệ thống này trở thành công cụ đưa vào công tác chuyên môn, được sử dụng thường xuyên; tiếp tục định hướng dự báo tác động đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Ví dụ như việc đánh giá, tìm kiếm, phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời; biến dự báo mùa thành thông tin về khả năng, sản lượng điện gió tăng lên là bao nhiêu... Việc dự báo, cảnh báo không chỉ tập trung vào công tác phòng, chống thiên tai mà theo Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư phải phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Tùng