Thúc đẩy phát triển Hợp tác xã dịch vụ bảo vệ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 11:28, 22/12/2021
479 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực môi trường
Theo Bộ TN&MT, các HTX đã góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, huy động sức mạnh và ý thức của người dân trong BVMT sống. Các HTX môi trường và HTX tham gia BVMT đã được hình thành và phát triển theo mục tiêu chung vì một môi trường không ô nhiễm, vì sức khỏe cộng đồng và huy động sức mạnh tập thể theo mô hình HTX. Mô hình HTX trong BVMT đã được triển khai, gắn với yêu cầu cấp thiết của khu vực kinh tế hợp tác, HTX; phát huy tối đa năng lực cộng đồng trong quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi 2 trường (nước, đất, không khí, tiếng ồn...).
Hiện, HTX dịch vụ môi trường được thành lập chủ yếu ở địa bàn nông thôn, thị trấn và một số thành phố lớn làm dịch vụ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, đóng góp tích cực cho việc cải thiện môi trường. Giai đoạn 2003 - 2018, có 618 HTX thành lập mới, giải thể 130 HTX, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả hằng năm trên 50%; số thành viên, vốn điều lệ, giá trị tài sản, doanh thu và lãi của các HTX môi trường đều tăng qua hằng năm, nhất là trong giai đoạn 2013 - 2018 do những tác động của Luật HTX năm 2012, Luật BVMT và những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và mô hình HTX phù hợp với dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, nhất là địa bàn nông thôn.
Đến năm 2020, có khoảng 479 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực môi trường, chiếm tỷ lệ 3,4% tổng số hợp tác xã trên cả nước. Bình quân 1 HTX có 600 thành viên, 1,4 tỷ đồng vốn điều lệ, 2,7 tỷ đồng tài sản, 3,2 tỷ đồng doanh thu và 0,19 tỷ đồng lãi; số lượng thành viên lớn hơn các loại hình HTX phi nông nghiệp khác nhưng số vốn và hiệu quả hoạt động thấp hơn.
Các HTX dịch vụ môi trường tham gia nhiều công đoạn từ khâu thu gom, phân loại chất thải tại nguồn đến việc vận chuyển và xử lý, trong đó một số HTX chỉ thực hiện một công đoạn như thu gom rác thải tại nguồn hoặc chỉ vận chuyển rác thải. Đối tượng phục vụ chủ yếu của các HTX là các hộ gia đình, một số HTX chỉ cung cấp dịch vụ cho các cơ quan và doanh nghiệp đóng trên cùng địa bàn.
Trong số các HTX thu gom rác thải có 53% số HTX chỉ cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình; 32% số HTX vừa cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình vừa cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp đóng trên cùng địa bàn. Các địa phương có số lượng lớn hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này là: Hà Tĩnh: 149, Vĩnh Phúc: 63, Đồng Nai: 55, Tiền Giang: 21 và Bình Dương: 14; các địa phương còn lại có trung bình từ 3 - 4 hợp tác xã; một số địa phương không có hợp tác xã nào như Lâm Đồng, Bến Tre. Đồng Tháp và An Giang.
Nhiều mô hình hiệu quả
Nhiều mô hình HTX hoạt động rất hiệu quả, tên tuổi đã được khẳng định như: Hợp tác xã môi trường Thành Công (Hà Nội), Hợp tác xã môi trường thị trấn Hương Canh (Vĩnh Phúc), Hợp tác xã vận tải và dịch vụ môi trường (Tuyên Quang), Hợp tác xã vệ sinh môi trường An Châu (Bắc Giang),... nhiều mô hình hợp tác xã chuyên sâu trong BVMT đã được thành lập như: hợp tác xã môi trường, hợp tác xã thu gom và xử lý rác thải, hợp tác xã nước sạch nông thôn, hợp tác xã trong các làng nghề tham gia xử lý môi trường và đã có những mô hình thành công như: hợp tác xã môi trường Thành Công (Hà Nội), Hợp tác xã nước sạch Bình Tây (Tiền Giang), Hợp tác xã môi trường Hiệp Hòa (Bắc Giang), Hợp tác xã môi trường Chí Linh (Hải Dương)...
Ngoài việc tham gia tích cực vào bảo vệ và làm sạch môi trường, các HTX dịch vụ môi trường còn góp phần tạo việc làm cũng như thu nhập và bảo đảm đời sống cho hàng chục nghìn lao động mà chủ yếu là cho người nghèo.
Mặc dù, đã đạt được nhiều kết quả, nhưng nhìn chung, hoạt động của HTX dịch vụ môi trường còn hạn chế, Bộ TN&MT cho rằng, các hoạt động tư vấn, dịch vụ của nhiều HTX tuy có thực hiện, nhưng số lượng chưa nhiều, hạn chế về cơ sở vật chất và năng lực cung cấp dịch vụ. Các đơn vị triển khai mới chỉ làm được những gì mình đang có, hạn chế phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động (hướng tới các dịch vụ xử lý nước cấp, xử lý rác thải, khí thải...).
Công nhân hợp tác xã Dịch vụ môi trường Sơn Hà thu gom rác thải tại Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi |
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT của các mô hình HTX còn bất cập so với yêu cầu, đa số thiếu vốn hoạt động. Trong lúc nguồn lực còn hạn chế thì hầu hết các HTX thiếu thông tin về các chương trình, dự án hoặc có thông tin nhưng còn lúng túng, chưa chủ động xây dựng được kế hoạch, đề án, dự án cụ thể về BVMT để tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương giúp phát triển mô hình HTX môi trường và HTX tham gia BVMT.
Nguyên nhân của việc này do trình độ tổ chức quản lý hoạt động BVMT chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của các HTX trong bối cảnh hội nhập; chưa phối hợp tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và HTX; thiếu vốn; năng lực của cán bộ làm công tác BVMT chưa được chú trọng nâng cao; chậm đổi mới cả về tư duy và phương thức hoạt động. Nhận thức của liên minh HTX các cấp về công tác BVMT còn hạn chế. Đặc biệt, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX trong công tác BVMT còn thiếu, trong khi phần lớn các HTX ở nước ta còn nghèo, công nghệ còn lạc hậu thiếu nguồn lực nên hầu hết các HTX ít quan tâm, hoặc có quan tâm cũng ít có điều kiện để đầu tư đúng mức vào BVMT.
Tập trung phát triển các HTX dịch vụ môi trường
Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi và khuyến khích phát triển cho các Hợp tác xã, Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ quan tâm, xem xét để ban hành (hoặc chỉ đạo ban hành) những chủ trương, chính sách cụ thể về hợp tác xã dịch vụ môi trường phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội - môi trường của đất nước giai đoạn tới.
Về phía các địa phương cần chú trọng phân bổ nguồn lực, quan tâm đầu tư cho môi trường, tập trung vào hình thành và phát triển các HTX dịch vụ môi trường hiệu quả trong các lĩnh vực: thu gom xử lý chất thải, thoát nước; đầu tư hạ tầng môi trường cho các cụm công nghiệp và khu sản xuất, chăn nuôi tập trung; hạ tầng cho làng nghề; nâng dần tính trách nhiệm của cộng đồng, bám sát nguyên lý “người gây ô nhiễm phải trả tiền cho việc xử lý ô nhiễm” (thông qua việc hình thành cơ chế thu phí vệ sinh, giá dịch vụ môi trường...