Công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại quyết định thành công kỷ nguyên số: Phát triển đô thị thông minh từ nền tảng hệ thống thông tin địa lý
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 12:16, 21/12/2021
Xu hướng phát triển thành phố thông minh
Trong kỷ nguyên kết nối vạn vật (Internet Of Things - IOTs), thành phố thông minh là thành phố dùng công nghệ điện toán đám mây và công nghệ thông tin thế hệ mới để quy hoạch đô thị, sử dụng các công cụ của công nghệ thông tin và truyền thông để thu nhận, phân tích và tích hợp thông tin để vận hành thành phố, cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường, an toàn cộng đồng, các dịch vụ đô thị và các nhu cầu khác một cách thông minh, giúp nền kinh tế đô thị tăng trưởng, duy trì tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Hiện nay, phát triển đô thị thông minh đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm và trở thành một xu hướng cạnh tranh giữa các nước.
Tại Việt Nam, Chính phủ xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Vì vậy trong các năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy xây dựng và phát triển các đô thị thông minh.
Ảnh minh họa thành phố thông minh |
Cùng với đó, Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào các mạng lưới thành phố thông minh trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN năm 2018 và hiện nay hơn 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các mô hình thành phố thông minh.
Tuy vậy, muốn phát triển đô thị thông minh bắt buộc phải có các thông tin không gian địa lý.
80% dữ liệu không gian địa lý đóng góp vào phát triển đô thị thông minh
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, 80% dữ liệu không gian địa lý đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch và quản lý đô thị thông minh, không chỉ cho người quản lý mà đặc biệt cho người dân trong thành phố biết sử dụng các dữ liệu phục vụ cho thành phố thông minh của mình.
Theo TS. Lưu Đình Hiệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin địa lý (Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM), hệ thống thông tin địa lý tích hợp nhiều tầng lớp thông tin khác nhau về xã hội, đa dạng sinh học, kỹ thuật, sử dụng đất, môi trường, cho phép người dùng nhìn thấy toàn cảnh các thông tin khác nhau cần tìm hiểu.
Tất cả các dữ liệu này được xây dựng thành mô hình 3D mô phỏng những dữ liệu sát thực với thực tế, tạo thuận lợi trong công tác quản lý của lãnh đạo cũng như tìm hiểu thông tin của người dân. Hệ thống này giúp các nhà lãnh đạo quản lý trực quan dựa trên dữ liệu không gian (tọa độ địa lý thực), các dữ liệu được xây dựng một lần và sử dụng nhiều lần cho nhiều ứng dụng khác nhau. Từ đặc điểm này, các sở, ngành, địa phương có thể chia sẻ dữ liệu với nhau, từ đó giúp tiết kiệm chi phí trong quản lý và thực hiện.
Đặc biệt, hệ thống thông tin địa lý đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý đô thị như hạ tầng giao thông, các công trình ngầm bao gồm hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống điện, viễn thông, kể cả ga ngầm, hệ thống siêu thị.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, trong quản lý quy hoạch xây dựng, cán bộ quản lý tra cứu thông tin quy hoạch qua hồ sơ giấy tờ hoặc tập tin định dạng AutoCAD, công bố thông tin quy hoạch xây dựng qua các cuộc họp, cắm pano thông báo. Người dân, nhà đầu tư muốn tìm hiểu về quy hoạch xây dựng qua thông tin công bố, các pano thông báo hoặc đến tận nơi. Thông tin quy hoạch xây dựng được lưu trữ qua hồ sơ trong kho hoặc trên các máy tính. Với ứng dụng hệ thống GIS, quy hoạch xây dựng sẽ bao gồm tất cả thông tin, hình ảnh chi tiết và đưa lên phần mềm. Qua phần mềm, cán bộ quản lý, nhà đầu tư, người dân đều tìm thấy những thông tin cần thiết.