Thái Bình: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đất đai

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 12:14, 21/12/2021

(TN&MT) - Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp; việc sử dụng đất ngày càng hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa luật vào cuộc sống

Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tạo lập một hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định và thống nhất trong hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai.

Ngoài việc tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết và phổ biến pháp luật đất đai tới cán bộ lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Sở TN&MT còn phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các lớp đào tạo tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến chính sách pháp luật đất đai cho cán bộ cấp huyện, cấp xã. Với nhiều hình thức khác nhau như: Phát tài liệu hỏi đáp, tờ rơi tuyên truyền; đặt mua Luật Đất đai, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của Nhà xuất bản TN&MT, đặt in các văn bản chính sách pháp luật về đất đai cấp phát, làm tài liệu tuyên truyền phổ biến và thực hiện ở các địa phương, cơ sở.

Thái Bình khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.

Do làm tốt công tác tuyên truyền, không chỉ cán bộ, đảng viên mà nhiều người dân cũng đã tiếp cận và hiểu được những nội dung cơ bản của pháp luật đất đai, từ đó tuân thủ và chấp hành các quy định, đồng thời giám sát việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đặc biệt đối với chính quyền cơ sở.

Quản lý đất đai đi vào nền nếp

Thực hiện quy định của Luật Đất đai 2013, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 28/3/2013; lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 7/5/2018. Căn cứ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho các địa phương để thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện lồng ghép với công tác thanh tra, kiểm tra đất đai các cấp. Qua đó đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương và tại các doanh nghiệp; góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội, hạn chế khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “then chốt” để thu hút đầu tư, thời gian qua, UBND tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Trong công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các quy định về chính sách, đơn giá áp dụng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; đồng thời, cập nhật điều chỉnh, bổ sung các chính sách và đơn giá bồi thường, hỗ trợ cho phù hợp với các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế tại địa phương. UBND tỉnh cũng ban hành trình tự, thủ tục về bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh và Quy chế dân chủ trong công tác bồi thường nhằm đảm bảo tính thống nhất, chuyên nghiệp trong triển khai thực hiện, từ đó minh bạch hóa toàn bộ quy trình bồi thường, làm tăng niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Chú trọng phát triển quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

Đối với việc đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), đến nay, hầu hết các thửa đất đã được đăng ký thông qua đo đạc địa chính và cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Sau 8 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, toàn tỉnh đã cấp 1.382.730 GCN, diện tích 103.231,26ha (tỷ lệ 94,28%), gồm: Đất nông nghiệp: 813.008 GCN, diện tích 87.077,25ha (tỷ lệ 95,01%); Đất ở nông thôn: 508.526 GCN, diện tích 11.369,8ha (tỷ lệ 89,02%); Đất ở đô thị: 56.446 GCN, diện tích 1.012,10ha (tỷ lệ 93,25%); Đất chuyên dùng: 4.750 GCN, diện tích 3.772,10ha (tỷ lệ 94,87%).

Căn cứ vào quy định của Luật Đất đai 2013, tỉnh đã ban hành Quy định về giá đất, Bảng giá đất 5 năm thời kỳ 2015 - 2019 trên địa bàn tỉnh và đã 3 lần sửa đổi, bổ sung Bảng giá đất thời kỳ này. Năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quy định về giá đất, Bảng giá đất 5 năm thời kỳ 2020 - 2024, nhìn chung mức giá đất tại bảng giá đất giai đoạn này đã tiệm cận gần hơn với giá đất thị trường, phù hợp với mức giá          quy định tại khung giá đất của Chính phủ.

Công tác thanh tra về đất đai luôn được các cấp, các ngành chú trọng. Qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về đất đai. Cụ thể, tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 605 tổ chức trên địa bàn, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số 178 trường hợp. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất của 4 doanh nghiệp, tổng diện tích 8.999,4m2 do vi phạm pháp luật đất đai.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai cũng được tỉnh Thái Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Theo đó, Sở TN&MT đã thực hiện tiếp 600 lượt (986 người) với 386 vụ việc liên quan đến đất đai, thông qua tiếp công dân đã hướng dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền cho các công dân; tiếp nhận các vụ việc thuộc thẩm quyền để giải quyết theo quy định. Sở tiếp nhận 945 đơn thư liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải quyết theo thẩm quyền hoặc xác minh theo chỉ đạo của UBND tỉnh 284 đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, kiến nghị phản ánh theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Giang