Cấm xe máy…

Xã hội - Ngày đăng : 12:13, 21/12/2021

(TN&MT) - Cấm xe máy - câu chuyện tưởng như đã cũ, bởi hàng chục năm qua, việc này đã tốn bao ý tưởng, đề xuất, kể cả quyết tâm của chính quyền đô thị. Thế nhưng, sau mỗi đề xuất, lại có những làn sóng dư luận trái chiều. Điều dư luận quan tâm nhất trước khi bàn đến việc cấm xe máy là chính quyền đô thị phải trả lời được câu hỏi: “Cấm xe máy, người dân đi lại bằng phương tiện gì?”.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội có Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 4 ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, từ sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực Nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực Bắc sông Hồng.

Hà Nội đang thể hiện quyết tâm bằng mọi giá giải quyết vấn nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Nhưng để triển khai thành công vấn đề này, giữa mong muốn với hiện thực phải có một sự tương thích nhất định. Cơ quan quản lý mong đợi đến năm 2025, có thể hạn chế hay cấm xe máy chạy vào thành phố từ vành đai 3 trở vào, nhưng các thị dân trăn trở, đến năm 2025, thành phố có phương tiện gì tối ưu, hiệu quả, tiết kiệm… cho nhân dân đi?

Ảnh minh họa

Mệnh đề này hoàn toàn có cơ sở và bức thiết, bởi thực tế, hệ thống giao thông công cộng tại TP. Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung còn quá nhiều hạn chế. Hệ thống giao thông công cộng đô thị hiện nay của Hà Nội chủ yếu là xe buýt và một số tuyến đường sắt đô thị đang được triển khai. Tỷ lệ đảm nhận chỉ chiếm khoảng 8 - 10% nhu cầu. Trong khi mỗi tháng, lượng xe cá nhân đăng ký mới khoảng 27.000 phương tiện, trong đó ôtô khoảng 5.000, xe máy khoảng 22.000. Với tốc độ tăng này, có thể thấy rõ, khoảng đến năm 2025, Hà Nội không có đủ đường cho xe đi lại.

Có thể thấy, xe máy nhiều trước hết do hệ thống giao thông công cộng còn yếu kém, hạn chế. Khi hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội chưa được chuẩn bị chu đáo, tất yếu, sự hỗn loạn sẽ diễn ra. Mà nhãn tiền ở nhiều đô thị là tình trạng ngập úng, tắc đường, ô nhiễm…

Những vấn nạn dai dẳng này có những nguyên nhân ngoài ngành giao thông, đó là quy hoạch. Nếu quy hoạch vẫn theo kiểu tận dụng “đất vàng”, dồn nén vào trung tâm như hiện nay, có cấm xe máy một vài con đường thì tắc vẫn hoàn tắc.

Sự manh mún càng thể hiện rõ khi đô thị phát triển lan nhanh theo chiều rộng. Hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách - nguồn lực của quốc gia - đã bị ném vào cho việc giải tỏa xây dựng cầu, mở đường, làm các công trình thoát nước, trạm xe buýt, metro, chợ… Nghịch lý hơn, rất nhiều tuyến đường vành đai chưa kịp xây xong đã trở thành đường nội đô. Các luồng giao thông kết nối hàng hóa - kho hàng - bến bãi - cảng sông, biển, hàng không… hầu như lâm vào ngõ cụt.

Những bức bối ấy càng thể hiện trong sự lúng túng giải quyết các vấn đề phát sinh của đô thị. Đơn cử như việc thiếu tính đồng thuận, khả thi từ rất nhiều các “đề xuất thu phí” hay phương án, mô hình đưa ra vận dụng.

Để đạt được yếu tố bền vững trong phát triển thì mọi kế hoạch và chương trình mục tiêu luôn phải đảm bảo thỏa mãn được tất cả các tiêu chí bền vững về xã hội, môi trường, kỹ thuật và tài chính. Song nhìn lại, chúng ta còn thiếu nhiều tiêu chí cho một đô thị bền vững.

Hôm nay, Hà Nội có đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, song nó chỉ giải quyết được một tuyến đường, Còn bao nhiêu tuyến đường cần những con đường trên cao?!!! Bỏ xe máy, người dân sẽ đi phương tiện công cộng chủ lực nào?

Sẽ còn đó những tranh cãi - xe gắn máy vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Xe máy sẽ còn là đối tượng quan tâm khá lâu nữa của toàn xã hội trong mơ ước một hệ thống giao thông an toàn, xanh - sạch - đẹp và thuận lợi còn tương đối xa!

Phương Anh