Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:33, 20/12/2021
Mục đích của Kế hoạch là nhằm quán triệt nội dung, cụ thể hóa, phân công và chỉ đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Chiến lược; Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai nâng cao năng lực, dự báo, cảnh báo, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Đồng thời, đề cao trách nhiệm và đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, có hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Chiến lược.
Kế hoạch thực hiện Chiến lược yêu cầu tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai. Ảnh minh họa: Thanh Tùng |
Hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức bộ máy
Về các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Kế hoạch tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, đất đai, địa chất khoáng sản có liên quan đến phòng, chống thiên tai.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, đất đai có liên quan đến phòng, chống thiên tai; rà soát, điều chỉnh, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước để nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước.
Nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, đất đai, địa chất khoáng sản, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên khoáng sản, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường các chế tài để đảm bảo việc thực thi pháp luật, định kỳ và đột xuất kiểm tra và xử lý kịp thời, triệt để các hành vi vi phạm.
Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ kiện toàn chức bộ máy, nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy. Cụ thể, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Rà soát, xây dựng, sửa đổi các quy định về công tác trực ban, ứng phó sự cố, thiên tai, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về thiên tai. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai; kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống với hiện đại để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, rủi ro thiên tai với nội dung và hình thức đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng vùng, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương, hợp tác với các tổ chức viễn thông để đưa các thông tin cảnh báo đến người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.
Đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tổ chức các chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn phòng, chống thiên tai; hoàn thiện các tài liệu, công cụ hỗ trợ đào tạo, tập huấn về khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai; tổ chức đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về thiên tai, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai
Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống quan trắc và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo đến năm 2030 đạt trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến của khu vực Châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu trong phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai của các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân.
Trong đó, tập trung theo dõi diễn biến của thiên tai, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, đủ độ tin cậy phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo nhiệm vụ nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời phục vụ công tác quản lý.
Xây dựng hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng thông minh, hệ thống chuyên dụng phân tích và dự báo bão, áp thấp nhiệt đới; phát triển hệ thống dự báo mô hình số trị có đồng hóa các loại số liệu bề mặt và viễn thám, tập trung nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa ở các thời hạn dự báo từ cực ngắn đến dự báo trước từ 2 - 3 ngày.
Đánh giá tổng thể và phân vùng chi tiết rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du, chi tiết tới cấp huyện, tích hợp, đồng bộ các mô hình dự báo thủy văn trên các lưu vực sông, xây dựng công cụ cảnh báo, dự báo chi tiết phạm vi ngập lụt, độ sâu ngập lụt vùng hạ lưu các sông và hạ lưu các hồ chứa.
Cập nhật và số hóa dữ liệu ngành khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, địa chất, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế; định kỳ cập nhật kịch bản bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông, suối gần biên giới; rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, luôn đặt ra nguyên tắc quan trọng là yêu cầu phải đảm bảo sự lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực trong Bộ Tài nguyên và Môi trường, lấy mạng lưới khí tượng thủy văn làm nòng cốt trong tổng thể mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia.
Hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, tăng mật độ mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt là các khu vực mật độ trạm còn thưa và trên khu vực Biển Đông bao gồm các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; các trạm giám sát biến đổi khí hậu; từng bước hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc chuyên ngành, trong đó ưu tiên quan trắc lū, xâm nhập mặn, chất lượng nước; tăng cường công tác điều tra cơ bản về khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, địa chất; rà soát, đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa.
Thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong các quy hoạch liên quan đến sử dụng tài nguyên đất, nước để bảo đảm an toàn, hạn chế tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai. Theo đó, hoàn thiện lập Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong những năm qua, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiều loại hình thiên tai |
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ
Kế hoạch thực hiện Chiến lược yêu cầu tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai. Theo đó, tập trung nghiên cứu cơ chế hình thành, xu thế phát triển; dự báo, cảnh báo sớm thiên tai và tác động của thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất; triển khai các sản phẩm dự báo, cảnh báo, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như mạng vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, vận hành hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo và phát triển dịch vụ khí tượng thủy văn, tài nguyên nước; nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ mục tiêu hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên nước.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, cảnh báo sớm thiên tai; tăng cường năng lực các cơ quan nghiên cứu trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, địa chất.
Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dự báo khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai. Cụ thể, tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, đối tác phát triển, nhà tài trợ, cơ quan nghiên cứu khoa học trong khu vực và trên thế giới về công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, nhất là hợp tác chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, quản lý tài nguyên nước;
Duy trì hợp tác, thường xuyên cung cấp thông tin về thiên tai và giữ liên lạc với các đầu mối quốc tế để tiếp nhận xu hướng quản lý rủi ro thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các điều ước quốc tế, hiệp định, thỏa thuận hợp tác mà Việt Nam là thành viên; tham gia tích cực, chủ động trong các cơ chế hợp tác về phòng, chống thiên tai. Trong đó, ưu tiên giải quyết các vấn đề thiên tai xuyên biên giới như: duy trì nguồn nước, chống hạn, ứng phó thảm họa...
Về tổ chức thực hiện, Tổng cục Khí tượng thủy văn làm đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; định kỳ hằng năm rà soát, đánh giá, báo cáo và đề xuất các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Kế hoạch.
Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với Tổng cục Khí tượng thủy văn tổng hợp, phân bổ nguồn vốn, dự toán kinh phí hằng năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch; đề xuất các cơ quan có liên quan kịp thời bổ sung nguồn lực để bảo đảm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch.
Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với Tổng cục Khí tượng thủy văn và các đơn vị liên quan thúc đẩy, tăng cường các hoạt động tham khảo kinh nghiệm quốc tế, vận động các đối tác quốc tế hỗ trợ nguồn lực, khoa học và công nghệ nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch.