Cuối tháng 1/2022, rạn san hô Great Barrier có thể bị tẩy trắng hàng loạt
Thế giới - Ngày đăng : 15:31, 20/12/2021
NOAA dự báo, nhiệt độ sẽ cao đến mức có thể khiến rạn san hô Great Barrier bị tẩy trắng vào cuối tháng 1/2022. Ảnh: AFP |
Theo dự báo của NOAA, vào tuần thứ ba của tháng 1/2022, các khu vực của rạn san hô Great Barrier từ phía Nam Bãi biển Airlie đến mũi Cape York - dài khoảng 1.300 km - có thể sẽ bị tẩy trắng. Cũng theo dự báo, vào giữa tháng 2, các khu vực rộng lớn từ Cairns sẽ ở “Mức cảnh báo 2” - mức căng thẳng do nhiệt cao nhất có thể xảy ra hiện tượng chết san hô.
Các nhà khoa học về rạn san hô hy vọng, thời tiết thuận lợi có thể làm mát san hô và ngăn chặn mối đe dọa tẩy trắng hàng loạt.
Dự báo của NOAA cho thấy, nhiệt tích tụ ở các phần phía Bắc và Trung của rạn san hô sẽ đủ cao để san hô bắt đầu bị tẩy trắng vào cuối tháng 1. Cơ quan Khí tượng Australia (BoM) cũng đưa ra dự báo tương tự.
Tiến sĩ David Wachenfeld, nhà khoa học chính tại Cơ quan quản lý công viên biển Great Barrier Reef cho biết, nhiệt độ nước hiện ở trên mức trung bình tại phần lớn san hô Great Barrier, với một số khu vực ấm hơn 2 độ C. Theo ông, tình hình hiện tại không như chúng ta mong muốn, nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra như hiện nay thì điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.
Ông Wachenfeld cho biết thêm, cả dự báo của NOAA và BoM đều không thể dự đoán được các cơn lốc xoáy có thể nhanh chóng hạ nhiệt độ hay không.
Mùa bão lốc xoáy ở Australia thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau và khu vực phía Đông của đất nước, trong đó, có rạn rạn san hô, trải qua trung bình 4 cơn lốc xoáy mỗi năm. BoM dự báo, sẽ không có nhiều cơn bão trung bình xảy ra trong mùa hiện tại.
Khí hậu của Australia hiện đang chịu ảnh hưởng của kiểu thời tiết La Nina. Ông Wachenfeld cho biết: “Hiện tượng thời tiết này thường mang lại nhiều mây và mưa hơn cho vùng nước của rạn san hô. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy điều đó vào mùa hè này. Chúng tôi hy vọng hiện tượng La Nina sẽ tạo thuận lợi cho thời tiết. Các hiện tượng thời tiết trong vài tuần tới là rất quan trọng”.
Tẩy trắng là một phản ứng căng thẳng nhiệt của san hô khi bị tác động bởi nhiệt độ quá cao. Quá trình này cho thấy, san hô tách ra khỏi một loại tảo đặc biệt mang lại màu sắc và nhiều chất dinh dưỡng cho chúng. San hô có thể phục hồi sau quá trình tẩy trắng ít nghiêm trọng hơn, nhưng các nghiên cứu cho thấy, những san hô còn tồn tại sẽ bị suy yếu.
Mặc dù năm 2020, xảy ra đợt tẩy trắng trên diện rộng nhất được ghi nhận, nhưng ông Wachenfeld cho biết, mức nhiệt không gay gắt như các sự kiện trước đó và do đó, với mức độ san hô chết không cao, rạn san hô chỉ mất vài năm để phục hồi.
Rạn san hô Great Barrier Reef đã trải qua 5 đợt tẩy trắng hàng loạt vào các năm 1998, 2002, 2016, 2017 và 2020 - tất cả đều do nhiệt độ đại dương tăng lên do hệ thống sưởi ấm toàn cầu. Một nghiên cứu do Giáo sư Terry Hughes thuộc Trung tâm Nghiên cứu Rạn san hô (ARC) của Đại học James Cook dẫn đầu vào tháng 11 cho thấy, chỉ 2% rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier chưa bị tẩy trắng kể từ năm 1998.