Thừa Thiên - Huế khẩn trương ứng phó với bão số 9

Môi trường - Ngày đăng : 08:48, 20/12/2021

(TN&MT) - Bão số 9 đang diễn biến phức tạp ngoài biển Đông và chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đang lên các phương án ứng phó.

Di dân vùng sạt lở

Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho biết, các đoạn bờ biển qua địa bàn xã trong những năm qua đã được đầu tư kiên cố bằng các tuyến kè, riêng khu vực thôn Tân An hiện nay tình hình sạt lở, xâm thực hiện hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến 76 hộ và 350 nhân khẩu, đe dọa các cơ sở hạ tầng phía bên trong và nguy cơ mở một cửa biển mới.

“Trước mắt ứng phó với bão số 9, địa phương đã lên phương án di dời khẩn cấp 21 hộ với 96 nhân khẩu ở khu vực này. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, phối hợp với lực lượng BĐBP để xử lý tạm thời các điểm sạt lở, xâm thực biển cũng như phương án cứu hộ cứu nạn trong tình huống cần thiết...”, ông Tùy thông tin.

Triển khai ứng phó với bão ở khu vực bờ biển

Tại khu vực hai đầu múi kè thuộc xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), hiện nay cũng xảy ra tình trạng xâm thực biển nghiêm trọng, làm nhiều diện tích rừng dương phòng hộ bị cuốn trôi. Cụ thể, từ múi kè Giang Hải đến khu vực núi Linh Thái giáp xã Vinh Hiền với chiều dài 1km biển xâm thực dữ dội, sóng gần tràn qua khu vực tỉnh lộ 21. Phía múi kè giáp xã Vinh Mỹ hiện nay còn khoảng 15 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm đã có phương án bố trí tái định cư nhằm đảm bảo an toàn.

Theo chính quyền địa phương Giang Hải, nhằm ứng phó với bão số 9, xã đã chuẩn bị lực lượng, vật tư nhằm gia cố những điểm sạt lở xung yếu, tổ chức giúp ngư dân đưa các thuyền bãi ngang lên bờ tránh trú bão an toàn và di dời các hộ dân trong vùng sạt lở.

Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã và TP. Huế, phương án sơ tán, di dời ứng phó với bão số 9 tùy tình hình sẽ theo 2 “kịch bản”. Đối với bão mạnh, siêu bão sẽ xen ghép với 19.623 hộ/55.788 khẩu; sơ tán, di dời đến nơi tập trung sẽ với 8.374 hộ, 30.725 khẩu.

Người dân ven biển khẩn trương chằng chống nhà cửa

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức kêu gọi các phương tiện vào nơi tránh trú an toàn; cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 9h ngày 18/12. Yêu cầu các chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển tạm dừng thi công từ ngày 19/12. Ra lệnh vận hành điều tiết hồ chứa đối với thủy điện Hương Điền, hồ Tả Trạch....

Đảm bảo an toàn khi bão vào

Kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh yêu cầu các địa phương rà soát, có phương án sơ tán dân vùng ven biển, đầm phá, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở và các khu vực trọng điểm để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, các chốt trạm y tế, khu cách ly y tế, công sở, các khu công nghiệp. Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh. Ngoài ra, gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven sông, biển. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi gió mạnh, mưa lũ lớn.

“Đây là cơn bão trái mùa, có diễn biến phức tạp nên các địa phương, nhất là vùng ven biển như Phú Vang, Phú Lộc không được chủ quan. Phải hoàn thành sớm sơ tán, di dời dân, việc di dời phải đảm bảo an toàn chống dịch”, ông Minh nói.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9

Bí thư Tỉnh ủy - Lê Trường Lưu yêu cầu các địa phương, đơn vị bám sát công tác dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia. Cần tính toán, dự báo chính xác đường đi của bão để xác định phương án di dân...

“Các địa phương cần quán triệt việc các hộ dân ở lại trên thuyền, nhà chồ khi bão vào, kể cả những hộ kinh doanh ven biển, đầm phá. Về sạt lở, ngành chức năng cần rà soát lại tổng thể ngoài tuyến biển, còn thêm khu vực đầm phá. Đợt bão hiện nay kèm lượng mưa khá lớn, nên cần chủ động công tác ứng phó ở những địa phương, những điểm có nguy cơ sạt lở, nhất là khu vực vùng núi và khu vực ven sông suối. Lực lượng BĐBP, công an và các địa phương sẵn sàng nhân lực, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu và đảm bảo an toàn tại các khu cách ly y tế”, ông Lưu nhấn mạnh.

Sở Công Thương Thừa Thiên – Huế cho biết đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

Văn Dinh