Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm liên kết vùng, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước

Trong nước - Ngày đăng : 20:01, 19/12/2021

Làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng, giải pháp lớn và yêu cầu thành phố phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển nhanh và bền vững, toàn diện, hài hòa, xây dựng Hải Phòng thành trung tâm liên kết vùng, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hải Phòng phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển nhanh và bền vững, phát triển toàn diện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 19/12, ngay sau khi kết thúc chuyến công tác tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với cán bộ chủ chốt TP. Hải Phòng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh và đại diện một số bộ ngành.

Thủ tướng cơ bản đồng tình cao với các kiến nghị của Hải Phòng theo hướng tháo gỡ cơ chế chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chịu trách nhiệm và chủ động, sáng tạo của Hải Phòng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bước phát triển vượt bậc của Hải Phòng

Tại cuộc làm việc, các ý kiến đều đánh giá cao vị trí, vai trò chiến lược và tiềm năng, lợi thế phát triển rất lớn của Hải Phòng, khẳng định giai đoạn 2015-2020, thành phố phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 13,94%/năm, gấp 1,3 lần mục tiêu đề ra, gấp 2,06 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 3 lần giai đoạn trước; tổng nguồn lực cho hạ tầng giao thông đạt gần 44.000 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giai đoạn trước, cùng với các địa phương bên cạnh hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng, mở rộng không gian phát triển của vùng.

Năm 2021, Hải Phòng đã thực hiện rất quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những địa phương thực hiện phòng, chống dịch thành công nhất, hiệu quả nhất trong cả nước; tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt hơn 86% và hơn 98% trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1.

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao, ước 12,38%, nằm trong nhóm dẫn đầu các địa phương trên cả nước. Tổng thu ngân sách ước đạt hơn 90.000 tỷ đồng, vượt dự toán. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 25,11 tỷ USD, tăng 23,19%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng nêu nhiều đề xuất, kiến nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương gợi mở nhiều giải pháp để thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tập trung vào vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông, liên kết vùng, phát triển công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại, về thực hiện Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng đã được Quốc hội thông qua… Các ý kiến cũng thảo luận kỹ về những hạn chế, khó khăn, thách thức của Hải Phòng và nguyên nhân, trong đó có việc chậm giải phóng mặt bằng và thi công một số dự án; thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao lãnh đạo Hải Phòng đã xác định trúng các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, nhất là trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn. Muốn làm nhanh thì phải làm chắc, làm đúng, Phó Thủ tướng góp ý và nhấn mạnh: Thành phố phải tập trung rất cao, đột phá toàn diện, liên tục trong các năm tiếp theo trên các lĩnh vực mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; theo đó năm 2030, Hải Phòng đóng góp 8,2% vào GDP cả nước.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao lãnh đạo Hải Phòng đã xác định trúng các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, nhất là trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chịu trách nhiệm và chủ động, sáng tạo

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc. Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, quân dân thành phố Hải Phòng và những thành tựu quan trọng đã đạt được, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Kế thừa thành quả của các nhiệm kỳ trước đây, trong năm 2021, Hải Phòng đã đạt kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, thực tiễn đã chứng tỏ Hải Phòng làm tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch để phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nêu rõ nguyên nhân cơ bản của những kết quả đã đạt được, theo đó, thành phố đã bám sát tình hình, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố; sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và sự đầu tư của Trung ương. Việc phát triển văn hóa chưa ngang tầm với kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác. Thủ tục hành chính, năng lực quản trị, điều hành còn có những hạn chế, hiệu quả quản trị hành chính công và công tác chuyển đổi số của thành phố cần được cải thiện, nhiều chỉ số như hiệu quả quản trị và hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, mức độ chuyển đổi số còn ở vị trí khiêm tốn trên bảng xếp hạng cả nước. Thu ngân sách cao nhưng tỷ trọng thu nội địa chưa tương xứng với tiềm năng.

Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển Hải Phòng, Chính phủ cũng có Nghị quyết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 35 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng. Thủ tướng lưu ý, nhấn mạnh thêm một số nội dung sau:

Về định hướng, Hải Phòng phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển nhanh và bền vững, phát triển toàn diện (về kinh tế - xã hội phải có công nghiệp hiện đại, xanh, dịch vụ tiên tiến, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, công nghệ cao…) và phát triển hài hòa, văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội… Phải có kế hoạch tăng dân số cơ học và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm liên kết vùng. Hải Phòng phải đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải xác định nguồn lực bên trong (với ba trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định, còn nguồn lực bên ngoài (gồm nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị…) là quan trọng và đột phá.

Về các giải pháp, trước hết, phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 35 của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, phải phòng, chống dịch thành công để khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, trong tháng 12 phải hoàn thành tiêm mũi vaccine thứ hai cho người từ 18 tuổi; trong quý I/2022 phải hoàn thành việc tiêm mũi thứ ba cho người từ 18 tuổi; trong tháng 1/2022, hoàn thành việc tiêm mũi thứ hai cho người từ 12-18 tuổi…

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng quy hoạch bài bản, có tầm nhìn xa với tư duy đổi mới để nhận diện và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa hiệu quả của đất, rừng và nước.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Thứ năm, phát triển dịch vụ logistics hiện đại, thông minh, hiệu quả, đẳng cấp quốc tế, nhất là về hàng không, hàng hải. Thủ tướng lưu ý, Hải Phòng hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng (đường biển, đường sắt, đường hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa).

Thứ sáu, là chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Thứ bảy, tiếp tục nghiên cứu, phát triển năng lượng gió ngoài khơi, tập trung cho năng lượng sạch, năng lượng xanh.

Thứ tám, tiếp tục giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thứ chín, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân.

Thứ mười, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển xứng tầm vai trò, vị trí thành phố lớn giàu truyền thống lịch sử - cách mạng, xứng đáng với mong muốn của nhân dân Hải Phòng và đồng bào cả nước.

Thủ tướng cơ bản đồng tình cao với các kiến nghị của Hải Phòng theo hướng tháo gỡ cơ chế chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chịu trách nhiệm và chủ động, sáng tạo của Hải Phòng. Ông yêu cầu lựa chọn một số việc khả thi, đủ thời gian, nguồn lực, năng lực, điều kiện để triển khai hiệu quả. Thủ tướng lưu ý, Hải Phòng cần phát triển các khu công nghiệp lớn theo mô hình 5 trong 1 (phát triển đồng bộ công nghiệp, dịch vụ, thành phố thông minh, đặc biệt coi trọng cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục…).

Ngay trước buổi làm việc với Hải Phòng, Thủ tướng đã tới thị sát cảng container quốc tế Lạch Huyện – tại đây, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco báo cáo về tình hình hoạt động tại cảng, việc triển khai các dự án và các đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng cảng biển, logistics

Một trong những vấn đề được các đại biểu rất quan tâm trong chuyến công tác và buổi làm việc của Thủ tướng với Hải Phòng là phát triển hạ tầng cảng biển, logistics.

Làm việc với lãnh đạo Thành phố, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, do tác động của dịch bệnh, hoạt động vận tải giao thông trên toàn cầu bị ảnh hưởng, chi phí logistics bị đẩy lên, ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Với sự phát triển của nền kinh tế và trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia 17 FTA, nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng lớn. Trong khi đó, đường biển là hình thức vận tải hàng hóa rẻ nhất và cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động giao thương hàng hóa quốc tế của Việt Nam.

Do đó, việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải nói chung và đường biển nói riêng là yêu cầu cấp bách để giải phóng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Hải Phòng cũng là địa phương có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc. Ngày hôm qua (18/12), Thủ tướng cũng đã làm việc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh có hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam để thúc đẩy phát triển hạ tầng cảng biển, logistics tại địa phương này và khu vực phía Nam.

Ngay trước buổi làm việc với Hải Phòng, Thủ tướng đã tới thị sát cảng container quốc tế Lạch Huyện – cụm cảng lớn nhất miền Bắc. Tại đây, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco báo cáo về tình hình hoạt động tại cảng, việc triển khai các dự án và các đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu phát triển hệ thống cảng theo hướng hiện đại, thông minh và xanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực công nghệ, quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để tiết kiệm chi phí, giảm nhân lực, chống tiêu cực, phục vụ khách hàng 24/24.

Thủ tướng đề nghị trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác công tư, không trông chờ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp quyết tâm hoàn thành sớm các dự án xây dựng bến mới tại Lạch Huyện với hạ tầng giao thông đi cùng, vốn nhà nước sẽ đầu tư cho các dự án kết nối cảng với hệ thống giao thông chung. Thủ tướng yêu cầu tăng cường kết nối cảng Lạch Huyện với các cảng nội địa, Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý các cảng nội địa.

Thủ tướng yêu cầu thành phố Hải Phòng làm tốt công tác quản lý nhà nước, quy hoạch, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao nhất để triển khai các nhiệm vụ, dự án. Ông đề nghị các doanh nghiệp tăng cường dùng chung hạ tầng, nhất là hạ tầng số, cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ và liên kết nhau để phát triển, nâng cao hơn nữa vị thế cảng Lạch Huyện, không chỉ dừng lại trong nhóm 20 cảng lớn trên thế giới.

Theo Chinhphu.vn