Yên Bái: Hồ Bình Lục có màu đen nguyên nhân là do tảo

Môi trường - Ngày đăng : 17:54, 18/12/2021

(TN&MT) - Vừa qua, nhiều hộ dân sống xung quanh và dưới hạ du hồ thủy lợi Bình Lục, xã Văn Phú, TP.Yên Bái (Yên Bái) đã phản ánh và lo lắng về hiện tượng nước tại khu vực hồ thủy lợi Bình Lục thuộc xã Văn Phú có màu đen gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Người dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương.

Hồ Bình Lục, xã Văn Phú có diện tích khoảng 6000 m2, trước đây phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp ở các thôn Lưỡng Sơn, Văn Quỳ... Sau khi xây dựng Khu công nghiệp (KCN) phía Nam đã san lấp một phần, diện tích còn lại của hồ khoảng hơn 1ha, nằm ở vùng đệm khu công nghiệp và kéo từ khu vực cổng A đến khu vực cổng B với chiều dài khoảng gần 2km.

Hồ Bình Lục xuất hiện màu đen

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Yên Bái đã tiến hành kiểm tra tại hiện trường. Qua kiểm tra, tổ công tác Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh ghi nhận: Tại khu vực đường xả nước mưa của KCN phía Nam, đường nước mưa chảy tràn của cổng A nước có màu trắng tự nhiên, chảy vào hồ thủy lợi xã Văn Phú; tại khu vực này phần đáy cũng như phần nước chảy đến hồ thủy lợi nước có màu sắc bình thường. Tại đường rãnh thoát nước tại cổng B, nước từ đây chảy ra màu sắc trắng tự nhiên, phần đáy đường rãnh màu sắc bình thường. Tổ công tác cũng xác định không có đường ống xả thải nào từ KCN phía Nam xuống hồ thủy lợi.

Qua thông tin từ chính quyền xã Văn Phú, hàng năm cũng vào thời gian này tại Hồ Bình Lục cũng xuất hiện hiện tượng nước màu đen, sau một thời gian ngắn hiện tượng này tự mất đi.

Hồ Bình Lục có màu đen nguyên nhân là do tảo nở hoa

Cũng theo Chi cục Bảo vệ Môi trường tinh Yên Bái, qua kiểm tra lấy mẫu nước trong hồ Bình Lục đã xác định nguyên nhân không phải do nước thải từ KCN phía Nam. Hiện tượng trong hồ Bình Lục là do hiện tượng tự nhiên phú dưỡng hay tảo nở hoa là một phản ứng của hệ sinh thái khi quá nhiều chất dinh dưỡng. Khi lượng chất dinh dưỡng bị quá tải, các thực vật phù du như tảo lam, rong rêu… sẽ tiêu hóa chất dinh dưỡng dư thừa này, chúng làm tăng các chất lơ lửng, chất hữu cơ, làm suy giảm lượng ôxy trong nước, nhất là ở tầng dưới sâu gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng nước và hệ sinh thái nước, từ đó khiến các loại cá sống ở tầng đáy có thể bị chết.

Thanh Ngà