Thăm dò đá vôi, đá đôlômit có chất lượng đạt mục tiêu trữ lượng

Khoáng sản - Ngày đăng : 19:26, 17/12/2021

(TN&MT) - Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia vừa thông qua trữ lượng đá vôi, đá đôlômit làm nguyên liệu sản xuất vôi và đôlômit nung công nghiệp tại khu vực xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Tổng thể khu mỏ đá vôi và đá đôlômit tại khu vực xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam

Theo đó, trữ lượng đá vôi nung ở cấp 121 +122 là 8.224 nghìn tấn, trong đó cấp 121 là 1.048 nghìn tấn, cấp 122 là 7.176 nghìn tấn. Trữ lượng đá đôlômit nung ở cấp 121 +122 là 50.049 nghìn tấn, trong đó, cấp 121 là 8.758 nghìn tấn, cấp 122 là 41.291 nghìn tấn. Trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường toàn mỏ là 16.303 nghìn m3, trong đó khu 1 là 7.745 nghìn m3, khu 2 là 8.558 nghìn m3.

Công ty Cổ phần Tư vấn Tài nguyên môi trường và Đầu tư khai khoáng là đơn vị tư vấn thực hiện thăm dò đá vôi và đá đôlômit tại khu vực xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Đại diện đơn vị tư vấn, ông Hoàng Quang Nam cho biết, công tác thăm dò đã thực hiện đúng theo đề án thăm dò được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại giấy phép thăm dò khoáng sản số 119/GP-BTNMT ngày 3/7/2020.

Công ty đã thực hiện các dạng công tác thăm dò và khối lượng chính gồm: công tác trắc địa (đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1: 2000 trên diện tích 53,07ha, đo vẽ mặt cắt tuyến thăm dò tỷ lệ 1:1000, phóng và hoàn nguyên các công trình thăm dò...); đo vẽ bản đồ địa chất mỏ tỷ lệ 1: 2000; thi công tuyến lấy mẫu rãnh điểm trên mặt 165m3, 3770m khoan; 2 moong khai thác thử; lấy, gia công, phân tích các loại mẫu nghiên cứu chất lượng và tính chất công nghệ đá vôi, đá đôlômit nguyên liệu sản xuất vôi và đôlômit nung công nghiệp; nghiên cứu điều kiện địa chất thuỷ văn - địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ…

“Các phương pháp và kỹ thuật thăm dò được thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường và được thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật Liên đoàn Địa chất Tây Bắc”, ông Hoàng Quang Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho biết thêm, nhờ các phương pháp và kỹ thuật thăm dò trên, công tác thăm dò đã đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, việc thăm dò đã làm sáng tỏ đặc điểm địa chất của các thành tạo đất, đá có mặt trong diện tích thăm dò.

Đồng thời, kết quả thi công công trình thăm dò và nghiên cứu các loại mẫu đã làm rõ sự tồn tại và đặc điểm phân bố của đá vôi, đá đôlômit nguyên liệu. Đá vôi, đá đôlômit có chất lượng đáp ứng yêu cầu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vôi, đôlômit nung công nghiệp.

Ngoài ra, kết quả thử nghiệm công nghệ trong phòng cho thấy, để sản xuất 100 tấn vôi cần 184,64 tấn đá vôi nguyên liệu và 13,85 tấn than. Phương pháp tối ưu nên lựa chọn chế độ nung từ 1100 độ C đến 1150 độ C và có thời gian lưu khoảng 2 giờ, vôi đạt chất lượng loại tốt nhất – CL90 theo TCVN 2231:2016. Để sản xuất 100 tấn vôi đôlômi cần 198,81 tấn đá đôlômit nguyên liệu và 12,92 tấn than. Phương pháp tối ưu nên lựa chọn chế độ nung từ 950 độ C đến 1000 độ C và có thời gian lưu khoảng 2 giờ, vôi đôlômi đạt chất lượng loại tốt nhất – CL90 theo TCVN 2231:2016.

Công tác thăm dò cũng làm rõ đặc điểm địa chất thuỷ văn - địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ. Khu mỏ có điều kiện địa chất thủy văn - địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ khá đơn giản và thuận lợi. Thân đá vôi và đá đôlômit lộ hoàn toàn trên mặt, không có nước ngầm, nước mặt không đáng kể và chỉ có thể có vào mùa mưa. Lượng nước chảy vào moong khai thác chủ yếu là nước mưa. Phương pháp khai thác hợp lý nhất là khai thác lộ thiên cắt tầng, với thoát nước là tự tháo khô.

Khu vực thăm dò có diện tích là 53,07 ha được chia làm 2 khu (Khu 1, Khu 2), thuộc kiểu địa hình núi tai mèo, mức độ phân cắt địa hình khá phức tạp, sườn dốc, cấu tạo địa chất của cả 2 khu thăm dò khá đơn giản và đồng nhất. Thành phần chủ yếu là đá vôi, đôlômit phân ra thành các tập phân biệt rõ ràng, dễ nhận biết bằng mắt thường.

Mai Đan