Ninh Bình: Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Đất đai - Ngày đăng : 11:28, 17/12/2021

(TN&MT) - Từ thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 tại địa phương, UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị, cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại hoá với độ chính xác cao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất làm cơ sở quan trọng để tổ chức thi hành Luật Đất đai.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thành phố vận động nhân dân kê khai đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liên với đất bắt buộc theo quy định tại Điều 95 của Luật Đất đai đối với tất cả các trường hợp đang sử dụng đất, gồm đăng ký đất đai lần đầu, đăng ký biến động đất đai. Đến nay, cơ bản tất cả các thửa đất đã được thực hiện đăng ký vào hồ sơ địa chính.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 95/14 xã, phường, thị trấn và 2 khu vực bãi bồi ven biển đã được đo đạc Bản đồ địa chính chính quy dạng số với diện tích hơn 80 nghìn ha. Còn lại 30 xã, thị trấn đang sử dụng bản đồ được thành lập theo phương pháp thủ công truyền thống và 18 xã đang sử dụng bản đồ giấy thực hiện theo Chỉ thị 229/TTg và Quyết định số 201/CP.

Ảnh minh hoạ

Về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, tính đến ngày 31/12/2020 toàn tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 28/143 xã, phường, thị trấn. Trong đó, 20 xã đã hoàn thành xây dựng cơ sở sở dữ liệu địa chính; 8 xã đang thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính là: Yên Tử, Yên Nhân, Yên Lâm (huyện Yên Mô); Gia Lạc, Gia Lập (huyện Gia Viễn); Gia Lâm (huyện Nho Quan); Khánh Hồng, Khánh Cư (huyện Yên Khánh).

Đáng chú ý, công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình sử dụng đất của từng đơn vị hành chính các cấp. Từ đó, đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2021-2030 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2030.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào lĩnh vực quản lý đất đai đã đạt được một số thành tựu nhất định như: đáp ứng được cơ bản về việc thực hiện các giao dịch đất đai, quản lý bản đồ số, quản lý được chủ sở hữu và in cấp giấy chứng nhận, cung cấp báo cáo sổ địa chính, báo cáo giao dịch...

Mặc dù vậy, theo đánh giá của địa phương, hệ thống pháp luật về đất đai cũng bộc lộ bất cập, còn kẽ hở; cơ sở dữ liệu về đất đai chưa đầy đủ và khoa học. Công tác đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là cấp giấy chứng nhận sau dồn điền – đổi thửa để phục vụ công tác quản lý đất đai tại địa phương còn chưa kịp thời.

Do vậy, tăng cường công tác điều tra, khảo sát, đo đạc lập bản đồ, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai là một trong các định hướng quan trọng để thi hành Luật Đất đai, làm cho công tác quản lý đất đai ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả của nguồn lực đất đai trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, để hiện thực hoá các định hướng trên, trước hết, cần tập trung nguồn lực đầu xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại hóa với độ chính xác cao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Công tác ứng dụng CNTT vào lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn cần được lên kế hoạch triển khai sớm nhằm đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đất đai trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai cho phù hợp với thực tế tại từng địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; nâng cao vai trò của các cấp, các ngành đặc biệt là cấp cơ sở trong việc thực hiện các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương.

Ngoài ra, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa và thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai cho người sử dụng đất.

Tính riêng từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã bố trí đầu tư kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính mới cho 41 xã, thị trấn. Tổng diện tích đo đạc thành lập bản đồ chính mới là hơn 25.708ha. Công tác triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra nghiệm thu chất lượng, khối lượng sản phẩm công trình đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành.

Tuyết Chinh