Quảng Nam: Dai dẳng nạn “vàng tặc” ở Bồng Miêu

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:30, 16/12/2021

(TN&MT) - Sau khi Công ty vàng Bồng Miêu ngưng khai thác vì hết hạn giấy phép từ 2016, mỗi năm huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam chi hàng tỷ đồng bảo vệ mỏ vàng. Hơn một năm nay, công việc này giao lại cho Công an xã Tam Lãnh. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, việc truy quét cũng ít hơn trước, vì vậy hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra “sôi nổi” hơn bao giờ hết.

Bất lực với “vàng tặc”?

Sau tấm biển “Nghiêm cấm thăm dò, khai thác trái phép” dựng ngay bìa rừng Thác Trắng (thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) lại là một "đại công trường" rầm rộ đào bới, khai thác vàng trái phép. Đất đá đào bới ngổn ngang, thiết bị máy móc, hầm hố và lều trại dựng lên khắp nơi. Cả khu đất rộng đã bị cày xới đào lấy quặng, cùng với đó là các bể hóa chất, xái quặng được phu vàng chôn tạm bờ bốc mùi hóa chất nồng nặc.

Tiếp cận được với một phu vàng tên A, trú huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, ông A cho hay, ông cùng một số người khác mới được chủ bãi vàng đưa lên làm được vài tháng qua. Trước đây, ông làm thuê ở tỉnh phía Nam, nhưng dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên phải về quê kiếm việc làm để trang trải cuộc sống.

Những hồ xái quặng trái phép ngang nhiên nằm giữa mỏ vàng Bồng Miêu đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường.

“Công việc làm vàng rất vất vả, buộc người phải có sức khỏe tốt, công việc phải làm lén lút vào ban đêm và lúc trời mưa. Đợt này do dịch Covid-19, lao động phổ thông thất nghiệp nhiều cộng với đang mùa mưa nên người ta đổ về đây kiếm việc cũng đông. Mỗi ngày làm công tại bãi vàng, chủ bãi vàng trả chúng tôi 200 ngàn đồng tiền công, cũng có đồng mưu sinh nên cũng phải làm liều” - ông A cho biết.

Không chỉ khu vực Thác Trắng, tình trạng khai thác vàng trái phép còn diễn ra tại khu vực Đồi Sim, Bãi Thải, Núi Kẽm, Hố Gần… Quá trình khai thác vàng, nước thải xả trực tiếp ra sông suối, gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Đáng nói là trong thời gian qua, trên địa bàn xã Tam Lãnh đã xảy ra nhiều vụ sập hầm khai thác vàng và đá rơi gây chết người khi đang khai thác vàng trái phép.

Cấp thiết đóng cửa mỏ

Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, ông Nguyễn Thế Vinh cho biết, thời gian qua, UBND huyện Phú Ninh đã thành lập 2 chốt kiểm soát đường dẫn vào bãi vàng Bồng Miêu. Ngoài ra, lực lượng Công an tỉnh và xã vẫn thường xuyên phối hợp với huyện tiến hành truy quét, thu giữ, tiêu hủy nhiều máy móc, lán trại khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, cứ truy quét xong, một thời gian sau họ sẽ trở lại bãi tiếp tục hoạt động.

“Về lâu dài, địa phương mong mỏi sớm được phê duyệt đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu để triển khai cải tạo, hoàn thổ, phục hồi môi trường, hạn chế việc lợi dụng để khai thác vàng trái phép”, ông Vinh kiến nghị.

Thực tế cho thấy, việc ra quân kiểm tra, truy quét những năm qua tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của Nhà nước nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để nạn khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Do đó, đóng cửa mỏ để giải quyết tận gốc nạn “vàng tặc” ở Bồng Miêu là việc hết sức cấp thiết.

Khu vực mỏ vàng Bồng Miêu có diện tích khoảng 360ha do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu quản lý, khai thác từ năm 1992. Đến tháng 3/2016, Giấy phép khai thác mỏ này đã hết hạn, nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường để bàn giao cho địa phương quản lý theo đúng quy định.

Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, khi hết hạn giấy phép năm 2016, Công ty vàng Bồng Miêu phải có trách nhiệm đóng cửa mỏ. Đến tháng 8/2017, Công ty này tuyên bố phá sản nên nhiệm vụ đóng cửa mỏ được giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (thuộc Bộ TN&MT) lập kế hoạch. Theo đó, Đề án đóng cửa mỏ đã được đơn vị tư vấn báo cáo trước Hội đồng thẩm định với tổng mức kinh phí khoảng 19,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền Công ty vàng Bồng Miêu ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường là 6 tỷ đồng, vẫn còn thiếu hơn 12 tỷ đồng để triển khai Đề án đóng cửa mỏ. Cuối năm 2019, HĐND tỉnh Quảng Nam cũng đã thông qua Nghị quyết chi ngân sách địa phương 12,6 tỷ đồng để đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc về thủ tục, quy định, đến nay Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu chưa được Bộ TN&MT phê duyệt.

Theo ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ và giao tỉnh tổ chức thực hiện. Bộ cũng đã có Công văn báo cáo Chính phủ về các vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án đóng cửa mỏ. Văn phòng Chính phủ đã có công văn lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh đối với 2 phương án thực hiện Đề án đóng cửa mỏ theo đề xuất của Bộ. Hiện, tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để tổ chức thực hiện tiến hành đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu theo đúng quy định của Luật Khoáng sản.

“Trong thời gian chờ đợi đóng cửa mỏ, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác môi trường tại khu vực này” - ông Hà cho hay.

Lan Anh