Đối ngoại môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 09:39, 16/12/2021
Song song với triển khai đồng bộ toàn diện ngoại giao, các hoạt động thúc đẩy đối ngoại trên lĩnh vực tài nguyên môi trường đã ghi nhiều điểm sáng.
Chỉ tính riêng trong 2 năm gần đây, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy thoái do dịch Covid-19, ngành Tài nguyên và Môi trường vẫn thực hiện có trách nhiệm các nghĩa vụ của nước thành viên trước cộng đồng quốc tế, thúc đẩy, mở rộng các hoạt động đối ngoại nhằm tìm kiếm các đối tác mới tiềm năng, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác nói chung và hợp tác, hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước nói riêng, mở ra nhiều hợp tác song phương và đa phương.
Ảnh minh họa |
Về song phương, chúng ta đã tạo ra hàng loạt các ký kết hợp tác với Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Phần Lan, Na Uy, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Bỉ, Campuchia, Hà Lan, Italia và Nhật Bản. Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, đã và đang duy trì chặt chẽ trong mối quan hệ với ASEAN, Ủy ban Bão, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Tổ chức Hệ thống cảnh báo sớm tích hợp đa thiên tai (RIMES), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công - Lan Thương, Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Ủy ban Điều phối các chương trình địa chất khu vực Đông và Đông Nam Á (CCOP), Ủy ban Quản lý thông tin toàn cầu Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UN-GGIM-AP), Quỹ Môi trường toàn cầu GEF, Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET)…
Đặc biệt, Việt Nam vừa tạo dấu ấn bằng các cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26). Việt Nam cũng vừa có chuyến thăm và làm việc với các nước Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…, trong đó có các nội dung về lĩnh vực môi trường. Tới đây, Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego (Đan Mạch) sẽ được khởi công tại Bình Dương. Nhà máy này được cho là chỉ sử dụng điện năng từ các tấm pin mặt trời trên mái.
Cùng với đó, "Tuần lễ môi trường Việt Nam - Nhật Bản" do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản đồng tổ chức theo hình thức trực tuyến đang diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/12.
Với việc tổ chức sự kiện "Tuần lễ môi trường Việt Nam - Nhật Bản", ngành Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong các lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Các hoạt động chính của sự kiện sẽ bao gồm chuỗi hội thảo kỹ thuật về các chủ đề kinh tế tuần hoàn; quản lý chất lượng môi trường nước; đối thoại chính sách về giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường đối tác công - tư trong quản lý rác thải nhựa đại dương và phát triển kinh tế tuần hoàn; cơ chế tín chỉ chung (JCM)…
Có thể thấy, ngành Tài nguyên và Môi trường đang từng bước khẳng định vai trò trụ cột trong hoạt động đối ngoại Việt Nam. Cùng với các ngành, lĩnh vực, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước, hoạt động đối ngoại môi trường đã và đang đóng góp mạnh mẽ vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị với sự chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, thúc đẩy xanh hóa công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế.