Đêm 17/12, bão Rai vào Biển Đông, cường độ mạnh, tàu thuyền chủ động phương án tránh trú
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:27, 15/12/2021
Sáng nay (15/12), Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về ứng phó với cơn bão có tên quốc tế là Rai.
Quang cảnh cuộc họp |
Bão Rai đang cách Philippines khoảng 800km
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, sáng nay, bão Rai đang cách Philippines khoảng 800-900km, với cường độ cấp 11. Trong ngày hôm nay, bão Rai có khả năng mạnh thêm và cường độ cực đại của bão có thể đạt cấp 13-14, giật cấp 16 trước khi đổ bộ vào Philippines.
"Chúng tôi dự báo, bão Rai sẽ đi vào Biển Đông vào khoảng đêm 17/12 đến sáng 18/12, trở thành cơn bão số 9 trên Biển Đông trong mùa mưa bão năm 2021. Trước khi vào Biển Đông, bão Rai có suy yếu, sau đó vào Biển Đông bão sẽ mạnh lên", ông Lâm cho biết.
Cũng theo ông Hoàng Phúc Lâm, gió mạnh nhất trên biển do bão số 9 sẽ đạt cấp 12-13, giật cấp 14. Ngoài ra, khu vực phía Bắc đang đón một đợt không khí lạnh vào đêm 16/12 và được tăng cường trong ngày 17/12. Chính vì vậy, bão vào gần bờ sẽ chịu tác động bởi 2 yếu tố là không khí lạnh và nhiệt độ nước biển gần bờ lạnh hơn vùng biển khu vực Philippines, nên cường độ của bão sẽ suy giảm. Tuy nhiên, theo dự báo của Việt Nam cũng như các đài dự báo quốc tế, mức độ suy yếu của bão Rai không nhiều khi vào gần bờ.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, khoảng ngày 20/12, bão Rai sẽ vào đất liền |
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm, bão số 9 vào gần bờ có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc khi nó đi đến khu vực kinh tuyến 113-115. Trước diễn biến của bão Rai, các tàu thuyền hoạt động trên biển sẽ có tiềm ẩn nguy cơ gặp rủi ro. Đến ngày 19/12, gió mạnh do bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển. Dự báo, bão sẽ vào đất liền là khoảng ngày 20/12. Đây là cơn bão mạnh, cường độ của bão trên Biển Đông có thể đạt cấp 12, gây mưa lớn gió mạnh trên biển và đất liền.
Còn 11.030 tàu đang hoạt động trên biển Đông
Báo cáo nhanh của văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, trong 3 ngày qua (từ 19h/11/12-19h/14/12), các tỉnh khu vực Trung Bộ rải rác có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 40-70mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Tà Long (Quảng Trị) 105mm; TĐ Rào Trăng 4 (T.T.Huế) 137mm; Hồ chứa nước Thủy Yên (T.T.Huế) 138mm; Trường Sa (Khánh Hòa) 122mm;
Các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, mực nước trên các sông dao động ở mức dưới BĐ1. Trong khi đó, các sông Nam Bộ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống theo triều. Mực nước cao nhất ngày 13/12 trên sông Tiền tại Tân Châu 1,89m, sông Hậu tại Châu Đốc 1,95m. Dự báo mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm, đến ngày 18/12 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,85m, tại Châu Đốc ở mức 1,90m.
Về tàu thuyền và khu neo đậu, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, ngày 14/12 có 11.030 tàu đang hoạt động trên biển Đông, cụ thể: Vịnh Bắc Bộ: 2.150 tàu; Hoàng Sa và Trường Sa: 4.130 tàu; Nam Biển Đông: 4.750 tàu.
Cả nước, hiện có 71 khu neo đậu tàu thuyền với tổng sức chứa là 46.212 tàu (đáp ứng 49% yêu cầu).
Báo cáo nhanh của văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận hiện có 183.221 lồng bè nuôi trồng thủy sản (Phú Yên: 81.177 lồng bè; Khánh Hòa: 91.225 lồng bè); các tỉnh từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Kiên Giang có 696,332 ha nuôi trồng thủy sản, 7.408 lồng bè.
Về tình hình đê điều, khu vực từ Quảng Bình đến Kiên Giang có 1.449km đê biển, đê cửa sông (1.076km đê biển; 373km đê cửa sông). Trong đó, từ Quảng Bình đến Bình Thuận: 707,8km đê biển, đê cửa sông (453km đê biển; 255km đê cửa sông); tồn tại 44 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu và 15 công trình đê, kè đang thi công dở dang.
Từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Kiên Giang có 741,0km đê biển, đê cửa sông (623km đê biển; 117km đê cửa sông); tồn tại 23 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu và 14 công trình đê, kè đang thi công dở dang.
Hiện nay, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định đã xuống giống từ ngày 1/12, với tổng diện tích đã gieo cấy lúa là 22.903ha (Đà Nẵng 25 ha; Bình Định 10.298 ha; Khánh Hoà: 7.450 ha; Ninh Thuận 2.630 ha; Bình Thuận 2.500 ha). Riêng tỉnh Phú Yên kế hoạch xuống giống lúa vào ngày 20/12. Đặc biệt, hiện còn 66.170 ha lúa mùa chưa thu hoạch.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp |
Kêu gọi tàu thuyền có phương án tránh trú an toàn
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài lưu ý, bão Rai vào Biển Đông là cơn bão cuối vụ trong năm 2021. Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia và các đài dự báo quốc tế, bão Rai là cơn báo có cường độ rất mạnh. Ngoài ra, bão Rai còn chịu tác động của nhiều hình thái thời tiết khác nhau và gió mùa Đông Bắc ở phía Bắc, nên cường độ, đường đi, đối tượng chịu tác động của cơn bão này còn thay đổi.
Chính vì vậy, ông Trần Quang Hoài đề nghị, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phải theo dõi sát diễn biến của cơn bão, thường xuyên cập nhật thông tin gửi về Ban Chỉ đạo Quốc gia Pòng chống thiên tai và các địa phương.
"Đây là cơn bão dự báo có cường độ mạnh, chính vì vậy, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị chức năng liên quan, cần thông tin, kêu gọi các tàu thuyền hoạt động trên biển biết được diễn biến cơn bão và khẩn trương có phương án di chuyển vào nơi tránh trú an toàn", ông Trần Quang Hoài nói, đồng thời đề nghị, Bộ Ngoại giao cần có công hàm gửi các nước để tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam được vào tránh trú nhờ khi gặp bão trên biển.
Bên cạnh đó, ông Trần Quang Hoài lưu ý các tỉnh ven biển cần kiên quyết không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển. Tại các khu neo đậu tàu thuyền, sơ tán dân, chính quyền địa phương cũng cần có phương án chằng chống tàu thuyền an toàn, tuyệt đối không để ngư dân ở lại trên thuyền để trông giữ tài sản. Đối với khu vực sơ tán dân, cần tuân thủ các qui định về phòng, chống dịch Covid-19. Trên đất liền, các đơn vị vận hành hồ chứa thủy điện, thủy điện cần bám sát thông tin dự báo để vận hành hợp lý, an toàn.