Lập lại trật tự khai thác cát, sỏi sông Vu Gia - Thu Bồn - KỲ III: Đồng bộ các giải pháp
Tài nguyên - Ngày đăng : 10:02, 14/12/2021
Quy hoạch từ dưới nước đến bờ
Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng khai thác cát trái phép là do lỏng lẻo khâu quy hoạch quản lý bến bãi. Khi chưa có quy hoạch sắp xếp hệ thống bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, hầu như các địa phương “mạnh ai nấy làm”. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sắp xếp hệ thống bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi bám sát quy hoạch kinh tế - xã hội và theo dự báo giữa thị trường cung - cầu.
Địa phương sẽ ưu tiên cho những doanh nghiệp khai thác mỏ có bến thủy nội địa. |
Theo đại diện UBND huyện Đại Lộc, giai đoạn từ năm 2021 - 2030 trở đi, địa phương sẽ quy hoạch khoảng 5 - 7 mỏ cát trên lưu vực 2 sông Vu Gia và Thu Bồn cùng 2 - 3 bãi tập kết, tất cả đều phải được đấu giá trước khi đi vào khai thác hoạt động. Yếu tố mà địa phương quan tâm nhất trong quy hoạch bến bãi là phải đảm bảo phòng chống sạt lở, bảo vệ đê điều, đất đai và nhà cửa của người dân hai bên bờ sông. Do vậy, huyện Đại Lộc kiến nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong quá trình thẩm định hồ sơ khai thác phải lưu ý đến vấn đề năng lực, kỹ thuật, công nghệ, trữ lượng, độ sâu khai thác; khu vực khai thác phải không tác động đến đời sống người dân. Ngoài ra, địa phương cũng kiến nghị cần ưu tiên cho những doanh nghiệp khai thác mỏ có bến thủy nội địa để thuận lợi trong công tác quản lý, giám sát trữ lượng khai thác.
Về phía trách nhiệm của địa phương, sẽ tăng cường giám sát các hoạt động khai thác dựa vào giấy phép mà cơ quan quản lý đã cấp cho doanh nghiệp. Tất cả hệ thống chính trị đồng bộ cùng vào cuộc, không chỉ có lực lượng TN&MT mà còn có cả Công an, ngành Thuế cùng kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất.
“Các doanh nghiệp được cấp phép phải có báo cáo về kỹ thuật thiết kế, phạm vi mỏ, phê duyệt ĐTM, phương án khai thác. Thứ hai, phải có đăng ký phương tiện khai thác (gồm có máy hút, máy xúc, xe ô tô vận tải; loại gì trọng lượng bao nhiêu tấn...) với địa phương. Đại Lộc nói riêng và Quảng Nam nói chung, tất cả các mỏ đều phải đảm bảo như vậy, còn nếu “anh” không có thì cấp phép sai, nếu không trình được ra thì đề nghị thu hồi lại giấy phép” - ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay.
UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch sắp xếp hệ thống bến bãi bám sát quy hoạch kinh tế - xã hội và theo dự báo cung - cầu. |
Tại huyện Điện Bàn, trước tháng 7/2021, chỉ còn 1 bến thủy nội địa của hộ bà Lê Thị Tiện (xã Điện Phước) còn hoạt động. Trước đó, cơ quan chức năng Điện Bàn luôn phối hợp Sở Giao thông Vận tải theo dõi việc chấp hành quy định của chủ các bến bãi dùng tập kết cát, sỏi và đã “xóa sổ” các bến, bãi không đủ điều kiện. Điều này dẫn đến tình trạng giá cát, sỏi bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến việc xây dựng của người dân. Mới đây, địa phương đã bổ sung quy hoạch chấp thuận 1 bến thủy nội địa tại khối phố Viêm Trung (phường Điện Ngọc) đi vào hoạt động để đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng của người dân địa phương.
Quyết liệt trong chỉ đạo, xử lý
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Nghị định 23 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông đã giúp cho các địa phương cách quản lý thống nhất xuyên suốt; nhất là giao trách nhiệm rõ cho các cấp chính quyền thực hiện đồng bộ từ khâu lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tiếp tục căn cứ Nghị định này để rà soát, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản trong quản lý cát, sỏi lòng sông; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép theo quy định bao gồm cả thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã đề ra nhiều phương án quyết liệt hơn nữa như ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu thăm dò, xác định trữ lượng đến khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là việc quản lý mặt cắt của các khu vực khai thác bằng các công nghệ mới nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng các bất cập trong quản lý để thu lợi bất chính, gây thất thoát tài nguyên.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản sẽ được thực hiện thường xuyên, đột xuất. |
Cùng với đó, địa phương sẽ bổ sung các chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng đối với các hành vi khai thác cát trái phép; rà soát, kiểm tra các phương tiện có biểu hiện khai thác cát trái phép; kiên quyết tháo dỡ, tịch thu máy móc của chủ phương tiện sau khi bị xử phạt do khai thác cát trái phép… Đẩy mạnh vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại địa phương. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho các chủ phương tiện khai thác cát trái phép.
Để minh bạch trong hoạt động khai thác khoáng sản, công tác đấu giá quyền khai thác cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo hoạt động đấu giá đi vào nền nếp, vừa phát huy hiệu quả kinh tế của địa phương nhưng cũng đồng thời lựa chọn được những doanh nghiệp thực sự có năng lực tài chính, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, một vấn đề nữa mà tỉnh Quảng Nam quan tâm là công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong hoạt động quản lý khai thác tài nguyên. Bởi hiện nay, chưa có quy định cụ thể về cơ chế điều phối liên tỉnh trong quản lý lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước… Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đưa ra giải pháp tăng cường phối hợp với chính quyền thành phố Đà Nẵng để quản lý từ cát dưới sông đến đầu ra tiêu thụ, chống thất thoát tài nguyên. Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan đánh giá tác động của mưa lũ ở các khu vực khai thác có sự chuyển dịch trữ lượng khai thác như thế nào, từ đó, có sự điều chỉnh lại cho phù hợp.
Với những giải pháp quyết liệt trong giám sát, xử lý vi phạm, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và quy hoạch bến bãi một cách bài bản, Quảng Nam kỳ vọng đây chính là “chìa khóa” để giải bài toán lập lại trật tự khai thác cát, sỏi lòng sông Vu Gia - Thu Bồn một cách hiệu quả nhất.