Hà Nội: Giá đất vùng ven tăng mạnh

Bất động sản - Ngày đăng : 08:59, 14/12/2021

(TN&MT) - Thị trường đất nền tại Hà Nội dịp cuối năm 2021 đang có sự tăng trưởng đột biến. Đặc biệt, giá đất nền thuộc các khu đô thị cũ nằm tại các vùng ven Hà Nội như Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm… tăng 20 - 30% so với đầu năm.

Nhà đầu tư săn tìm đất đô thị cũ

Sau khi Hà Nội công bố các thông tin quy hoạch và kế hoạch thay đổi địa giới hành chính, giá đất nền tại các dự án ven đô Hà Nội đã tăng giá mạnh. Ngay khi dịch bệnh dần được kiểm soát, đất ven đô Hà Nội lại được giới đầu tư săn lùng.

Lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, toàn huyện có khoảng 50 dự án tập trung tại các xã ven đại lộ Võ Văn Kiệt như Tiền Phong, Tráng Việt, Thanh Lâm, Đại Thịnh, thị trấn Quang Minh. Sau khi được phê duyệt quy hoạch chung, các chủ đầu tư như Tổng Công ty HUD, Minh Giang, Cienco 5 đã đồng loạt triển khai làm hạ tầng, xây dựng nhiều dự án chung cư khiến thị trường bất động sản (BĐS) Mê Linh khởi sắc trở lại. Cùng với đó, có sự tham gia của nhiều tập đoàn bất động sản lớn như FLC đang nghiên cứu quy hoạch xây dựng đô thị tạo sức hút với người dân, nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Nguyệt Hạnh (Giám đốc sàn BĐS Mê Linh) cho biết, sau nhiều năm “ngủ đông”, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các dự án Mê Linh. Các dự án Mê Linh có lợi thế đã được thành phố phê duyệt xong quy hoạch, chủ đầu tư đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, các thủ tục pháp lý và nghĩa vụ tài chính “sạch sẽ”. Điểm cộng nữa là mặt bằng giá đất thấp so với các quận huyện khác của Hà Nội nên biên độ tăng giá lớn. Đơn cử, như tại huyện Gia Lâm, giá đất nền đô thị đặt ngưỡng 70 - 80 triệu đồng/m2 nhưng tại Mê Linh giá đất nền, biệt thự chỉ giao dịch quanh ngưỡng 22 - 28 triệu đồng/m2.

Thị trường đất nền tại Hà Nội dịp cuối năm 2021 đang có sự tăng trưởng đột biến. Ảnh: Hoàng Minh

Cụ thể hơn, đô thị Minh Giang Đầm Và giá biệt thự 200 - 500m2 hiện chỉ có 18 - 20 triệu đồng/m2; biệt thự Dự án Minh Đức giá 22 - 23 triệu đồng/m2; Dự án Cienco 5 giá 20 - 25 triệu đồng/m2; Dự án HUD giá 18 - 20 triệu đồng/m2.

Tại các huyện như Đan Phượng, Phú Xuyên, Chương Mỹ, một số dự án BĐS có phân khúc biệt thự, liền kề có giá khá cao. Như Dự án The Phoenix Garden (Đan Phượng) khoảng 32,2 triệu đồng/m2, Khu đô thị Inoha City Phú Xuyên (Phú Xuyên) giá khoảng 24,7 triệu đồng/m2, Orange Garden (Hoài Đức) giá khoảng 39,1 triệu đồng/m2, The Spring Town Xuân Mai (Chương Mỹ) giá khoảng 14,5 triệu đồng/m2, Hòa Lạc Premier Residence (Sơn Tây) giá khoảng 13,9 triệu đồng/m2…

Hay tại Khu đô thị Park City (Hà Đông), năm 2015, giá chào bán biệt thự ở đây trung bình là 65 - 70 triệu đồng/m2 thì đến năm 2021, giá chào bán đã dao động 95 - 110 triệu đồng/m2. Tại Khu đô thị Gamuda City (Hoàng Mai), giá bán biệt thự từ mức 55 - 60 triệu đồng/m2 năm 2016 cũng tăng lên 92 - 97 triệu đồng/m2 năm 2021…

Giải thích về lý do đất nền ven đô Hà Nội thu hút nhiều nhà đầu tư, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu, Savills Hà Nội cho rằng, hiện nay, với sự phát triển vượt trội của hạ tầng giao thông, người dân có xu hướng tìm kiếm cuộc sống xanh với không gian thoáng đãng tại các đô thị vùng ven. Chính bởi điều đó, khu vực vùng ven hiện nay xuất hiện nhiều khu đô thị lớn.

“Do sự khan hiếm nguồn cung ở vùng trung tâm, các nhà đầu tư ngày càng có xu hướng tìm đến vùng ven nhiều hơn, khiến thị trường đất nền ở những khu vực ven đô ngày càng sôi động và đây là xu thế tất yếu của thị trường” - bà Hằng nhấn mạnh.

Giá đất khó hạ nhiệt

Có thể thấy rằng, chính sách pháp luật về đất đai ngày càng chặt chẽ đã tác động rất lớn đến nguồn cung của thị trường BĐS. Bên cạnh đó, quỹ đất trong thành phố ngày một hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư đất nền và nhà ở gắn liền với đất của người dân ngày càng tăng mạnh khiến cho giá nhà đất tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, động thái của nhà đầu tư vẫn rất tốt mặc dù đã trải qua các biến cố về dịch bệnh. Trong đó, một lớp nhà đầu tư đang có động thái rút bớt vốn trong giao dịch chứng khoán để phân bổ vào các sản phẩm BĐS có tính thanh khoản cao. Nhiều chủ đầu tư cũng rục rịch "tung chiêu" để tái kích hoạt thị trường sau giai đoạn im ắng do tác động của dịch bệnh Covid-19. Đây được đánh giá là lực đẩy tốt cho thị trường trong năm 2022.

“Hiện tượng tăng giá đất, về bản chất sẽ dẫn tới việc thị trường cần thời gian nhất định để cân bằng lại giữa cung và cầu thật, có thể xác lập một nền giá mới, làm nên dư địa phát triển cho các địa phương và tỉnh thành. Và tại những thị trường đã phát sinh giao dịch với giá tăng cao, việc điều chỉnh lại về mức giá cân bằng sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Hiện tại, nguồn cung BĐS khan hiếm rất nghiêm trọng do các dự án mới không được phê duyệt. Các doanh nghiệp muốn lấy được dự án đều phải tham gia đấu thầu, đấu giá trong khi khâu hoàn thiện các thủ tục pháp lý để mở thầu chậm trễ. Chính vì vậy, đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp lớn phải đi mua gom đất đai sau đó làm thủ tục để lập dự án. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thực trạng này tiếp tục kéo dài dẫn đến hiện tượng lãng phí đất đai nghiêm trọng, làm đình trệ cả tài chính và thị trường rơi vào rủi ro. Cụ thể, nhiều tập đoàn lớn nhưng âm dòng tiền nhiều năm nay song họ lại  không hề lo lắng vì mục đích của họ là đầu cơ dự án. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải sớm rà soát lại toàn bộ quỹ đất để có phương án khơi thông nguồn cung cho thị trường. Chỉ khi nào nguồn cung được giải tỏa thì giá đất mới hạ được nhiệt.

Thùy Linh