TP.HCM: Chủ động đề xuất cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 19:28, 13/12/2021
Thực hiện tốt công tác GPMB, đền bù, tái định cư góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng |
Không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách
Thời gian qua, TP.HCM đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quyết định liên quan đến đền bù, hỗ trợ, tái định cư, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; trong đó, thành phố dành nhiều sự quan tâm tới người sử dụng đất, đặc biệt là những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Triển khai Luật Đất đai 2013, ngày 15/5/2015, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 23 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Sau đó, ngày 9/8/2018, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 28 thay thế Quyết định số 23. Ngày 18/3/2020, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Quyết định số 07 sửa đổi, bổ sung một số điều được ban hành theo Quyết định số 28.
Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, rút ngắn thời gian thực hiện và kéo giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của người dân; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) một số dự án mang tính chiến lược phát triển, ngày 12/01/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 17-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất, góp phần ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, thời gian qua, TP.HCM đã chủ động kiến nghị, đề xuất và triển khai nhiều nội dung chính sách nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trong Chương trình giảm ùn tắc giao thông, Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị… đã góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; kịp thời giải quyết các chính sách hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi nghề và tạo việc làm đảm bảo chỗ ở, giúp ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất bị thu hồi, giảm thiểu việc khiếu nại, khiếu kiện đông người trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trên cơ sở đề xuất của TP.HCM, ngày 09/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 04/5/2021 quy định về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hòi trên địa bàn thành phố năm 2021.
Trước đó, ngày 25/5/2018, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND phân loại Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái dịnh cư là dự án đầu tư công “đặc thù’, không thuộc loại dự án có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng; đồng thời, giao Sở TN&MT thẩm định, phê duyệt Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhóm B, C; thẩm định, trình Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhóm A.
Một góc Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh |
Còn nhiều bất cập
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khi áp dụng những văn bản dưới Luật vào thực tiễn thì vẫn còn bất cập, chưa đồng bộ, nhiều quy định mới thay thế chưa phù hợp, chưa kịp thời theo tình hình thực tế của địa phương. Từ đó, dẫn đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một số dự án chậm trễ, gây bức xúc khiếu kiện của người dân, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 6 Điều 210 Luật Đất Đai năm 2013 thì đối với các dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt trước ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được phê duyệt, không áp dụng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Trong khi đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên điều chỉnh, bổ sung theo hướng có lợi hơn cho người dân nhưng không áp dụng cho các dự án đã phê duyệt phương án theo chính sách trước đó nên rất khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận đề bản giao mặt bằng, dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ngoài ra, thực tế tại TP.HCM, nhiều khu vực do kéo dài thời gian thực hiện quy hoạch hoặc dự án chậm triển khai nên có một số trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp hoặc lấn chiếm đất có nguồn gốc sông, kênh, rạch hoặc lấn, chiếm đất do cơ quan Nhà nước quản lý và xây dựng không phép để làm nhà ở thì không được bồi thường, chỉ được hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ còn thấp (30%-40%) không đủ để tự lo nơi ở mới hoặc đủ tiền thanh toán giá trị nhà, đất tái định cư.
Do đó, chính quyền các cấp phải tăng cường vận động người dân hoặc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với các hộ không chấp hành, dẫn đến một số dự án chua hoàn thành bàn giao mặt bằng theo tiến độ. “Cũng như nhiều địa phương khác, giá bồi thường cho người bị thu hồi đất chưa tiếp cận với giá thị trường nên nhiều trường hợp người bị thu hồi đất không đồng thuận, dẫn đến khiếu kiện kéo dài” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết thêm.
TP.HCM kiến nghị bổ sung các quy định về GPMB, thu hồi đất nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư |
Cần thêm quy định
Trong kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013, UBND TP.HCM đề xuất trường hợp trên 80% người dân đã chấp thuận nhận bồi thường trong các dự án đã được Nhà nước chấp thuận chủ trương thì Nhà nước cần có quy định để chủ đầu tư tiếp tục bồi thường phần đất còn lại để dự án sớm được triển khai. Việc phê duyệt giá bồi thường phù hợp với giá thị trường nhưng doanh nghiệp vẫn phải hỗ trợ thêm cho người sử dụng đất vì trong thực tế trước đó doanh nghiệp đã thỏa thuận với người sử dụng đất với mức giá cao . Do đó, cần quy định mức hỗ trợ thêm bằng mức bình quân của mức doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng trước đó trừ đi giá bồi thường được duyệt (giá thị trường) và doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ phần hỗ trợ thêm này khi thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Đồng thời, trong cơ chế về vốn, bồi thường cần phải có cơ chế để giải quyết bài toán phân chia lợi ích giữa Nhà nước với người dân khi thu hồi đất để đảm bảo hài hòa theo các Nghị quyết Trung ương. Trong đó, phải có chính sách bồi thường bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng đất nhằm bảo đảm về tạo lập chỗ ở mới, sau khi bồi thường xong phải giải quyết hậu bồi thường, tái định cư (kiểm tra các hộ gia đình sau khi bồi thường có hoàn cảnh khó khăn thực hiện hỗ trợ…).
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 của UBND TP.HCM, trong giai đoạn 2014 - 2020, UBND TP.HCM đã ban hành khoảng 750 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổng diện tích 2.800 ha. Song song đó, TP.HCM đã thực hiện tốt công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.